Bản in
Khởi động cuộc tìm kiếm các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng
Trước khi vấn đề tìm kiếm và phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng được chính thức nêu ra trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Nghị quyết số 20 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN, Bộ KH&CN đã khởi động nhiệm vụ tìm kiếm này thông qua việc triển khai Đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ KH&CN tiềm năng (từ dưới đây gọi tắt là Đề án).

Ông Đỗ Xuân Cương, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, đơn vị chủ trì thực hiện, trả lời phỏng vấn của Tia Sáng chung quanh các kết quả mà Đề án đạt được sau đợt đánh giá tổng kết mới đây.

Xin ông cho biết Đề án được hình thành trong bối cảnh nào?

Đầu năm 2011, Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015, trong đó có nhiệm vụ phát hiện, tìm kiếm các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu để hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Sở dĩ vấn đề này được nêu ra là do trên thực tế, phần đông nhà khoa học trẻ vì nhiều lý do khác nhau chưa được tiếp cận các nhiệm vụ KH&CN của các chương trình trọng điểm và các chương trình quốc gia khác của Bộ. Một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2006-2010 chỉ có tám cán bộ giảng dạy dưới 45 tuổi thuộc các trường đại học tham gia chủ trì các đề tài, dự án thuộc các chương trình trọng điểm, trong khi theo báo cáo của các trường, số lượng các cán bộ giảng dạy dưới 45 tuổi không ngừng tăng lên, rất nhiều người trong số đó được đào tạo bài bản và từng tham gia nghiên cứu tại các nước tiên tiến.

Hơn 600 cán bộ khoa học dưới 45 tuổi, trong đó 70% dưới 40 tuổi, đã tham gia 93 đề tài trong Đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ KH&CN tiềm năng, triển khai từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2012. Bình quân mỗi đề tài được cấp 770 triệu đồng, trong đó quá nửa (trừ các đề tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin) dành cho việc mua nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN lúc bấy giờ là ông Hoàng Văn Phong quyết định phải hình thành một đề án thí điểm dành cho các nhà nghiên cứu trẻ, như một bước hiện thực hóa nhiệm vụ đã được đề ra trong Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015. Kết quả là Đề án ra đời, và được lồng ghép vào nội dung của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước [các KC] giai đoạn 2011-2015.

Đề án có thu hút nhiều trường đại học và viện nghiên cứu tham gia không, thưa ông?

Có thể nói, số lượng các đơn vị quan tâm đến đề án vượt xa so với dự kiến ban đầu của Bộ KH&CN. Đề án dự kiến triển khai trong khoảng 20 trường đại học và viện nghiên cứu, nhưng kết quả chúng tôi nhận được đề xuất của 36 đơn vị trên khắp cả nước, mặc dù thời gian triển khai chỉ diễn ra trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, số đề tài được ký hợp đồng thực hiện sau hai vòng tuyển chọn của Hội đồng tư vấn chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào các viện, trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông có thể giải thích tại sao?

Đó là một thực tế. Ở vòng một, tất cả thông tin đầu vào của đơn vị và người đề xuất đều được xóa hết để việc lựa chọn hoàn toàn khách quan. Thế nên, có những đơn vị, như trường Đại học Thái Nguyên, gửi đến gần 30 đề xuất mà vẫn “trắng tay”.

Không chỉ chấm trên hồ sơ, ở vòng hai, chúng tôi mời các cán bộ trẻ thuyết minh bảo vệ đề cương nhiệm vụ của mình để kiểm chứng năng lực thực tế của họ bởi không loại trừ khả năng đề cương được thuê viết. Có người bay cả quãng đường xa đến để thuyết trình, chúng tôi rất ái ngại, nhưng vẫn quyết định không thể vớt vát. Từ hơn 450 đề xuất của các đơn vị, cuối cùng chúng tôi chọn được 93 đề tài tiềm năng để ký hợp đồng, hầu hết đều rơi vào các đơn vị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trừ một vài đề tài lẻ thuộc về các đơn vị ở Nha Trang và Đà Nẵng.

Một lý do khác giải thích cho việc hầu hết các đề tài được chọn tập trung ở hai thành phố lớn nhất nước là do Đề án không có kinh phí cho việc mua trang thiết bị nên các viện, trường có đề xuất gửi đến chúng tôi đồng thời phải chứng minh họ có đủ trang thiết bị cần thiết để tiến hành nghiên cứu.

Các tiêu chí nào được lựa chọn để xác định đó là đề tài tiềm năng, thưa ông?

Thứ nhất, đó là các đề tài có thể tạo ra được những công nghệ hoặc sản phẩm mới trong phòng thí nghiệm hoặc khẳng định được các hướng công nghệ sản phẩm tạo ra. Thứ hai, kết quả thực hiện đề tài phải tạo tiền đề cho việc hình thành nhiệm vụ KH&CN tiếp theo thuộc các chương trình trọng điểm và các chương trình quốc gia khác. Thứ ba, kết quả thực hiện có thể chuyển giao cho sản xuất hoặc cho phép hình thành doanh nghiệp KH&CN.

Vậy kết quả thực tế nghiệm thu các đề tài như thế nào so với những tiêu chí đầy tham vọng mà Đề án nêu ra?

Trong quá trình triển khai Đề án, bên cạnh nhiều nhóm nghiên cứu tiềm năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đã xuất hiện một số nhóm nghiên cứu mới được hình thành ở các trường ĐH Giao thông vận tải, ĐH Thủy lợi, ĐH Khoa học tự nhiên.

Mặc dù được triển khai với tinh thần khẩn trương – toàn bộ việc thực hiện các đề tài từ khâu hoàn thiện hồ sơ đến thời điểm đánh giá nghiệm thu chỉ trong vòng một năm, nhưng 100% các đề tài đã hoàn thành nội dung đăng ký. Nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra đều có tính mới, thể hiện ở số lượng 13 bài báo đã được đăng hoặc được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học ISI, trong đó có công bố hai hợp chất có hoạt tính sinh học từ lá cây Xa kê và vỏ cây măng cụt mới phân lập được (ĐH Bách khoa Hà Nội) và công bố trình tự gene của tám chủng virus PCV2 gây bệnh ở lợn được đăng ký ở ngân hàng gene thế giới (ĐH Nông nghiệp Hà Nội); và 42 báo cáo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế khác hoặc các hội nghị quốc tế.

Có thể nói, yêu cầu đối với các đề tài tương đối cao, ngoài yêu cầu về công bố khoa học để bảo đảm tính mới, các sản phẩm của đề tài còn phải là công nghệ, mẫu máy cụ thể. Từ đề án này xuất hiện một số công nghệ thực sự tiềm năng, đã thành công ở quy mô phòng thí nghiệm và có thể xây dựng thành các đề tài nghiên cứu trọng điểm, dự án sản xuất thử nghiệm như công nghệ chế tạo mực in nano bạc để ứng dụng trong quá trình in các mạch điện tử của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; công nghệ phủ gia cường bề mặt ống thủy tinh bằng dung dịch nano ôxit kim loại để sản xuất ống thủy tinh thành mỏng phục vụ cho sản phẩm đèn huỳnh quang, và quy trình công nghệ thiết kế chế tạo động cơ điện dùng ổ từ tốc độ cao ứng dụng trong công nghiệp- cả hai công nghệ tiềm năng này đều của ĐH Bách khoa Hà Nội; hay công nghệ chế tạo màng sinh học (biofilm) từ vi sinh vật ứng dụng trong xử lý nước ô nhiễm dầu của Viện Công nghệ sinh học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam,… 

Đó là chưa kể một số kết quả đã được ứng dụng ngay trong thực tế như giải pháp phân tích xu hướng cộng đồng dựa trên mạng xã hội của ĐH Công nghệ  - ĐH Quốc gia Hà Nội; phần mềm hệ thống chia sẻ hình ảnh cho cộng đồng của Công ty Naiscorp; giải pháp hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam của ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn cũng đánh giá, khoảng gần 30% số đề tài không có khả năng phát triển tiếp do thiếu tính thực tiễn và tính khả thi. Song có thể nói tỷ lệ này như vậy là không cao nếu xét về độ rủi ro trong nghiên cứu ở giai đoạn tiềm năng.

Theo đánh giá tổng kết Đề án, trong số năm đề tài đã có kết quả được ứng dụng thì chỉ có một đề tài nằm trong số 18 đề tài được các hội đồng đánh giá xuất sắc, điều này có gì mâu thuẫn không, thưa ông?

18 đề tài được đánh giá xuất sắc đều có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn cao và hầu hết nằm trong các lĩnh vực vật liệu cao, tự động hóa, hoặc y tế, sinh học là những lĩnh vực đòi hỏi phải có thời gian và tiền bạc đầu tư để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Còn cả năm đề tài có kết quả được ứng dụng ngay đều thuộc về lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Là người đứng đầu đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, hẳn ông được nghe rất nhiều phản hồi từ những nhà khoa học được tham gia Đề án. Ông có thể chia sẻ những ý kiến chính của họ?

Theo cảm nhận của tôi, phần lớn các cán bộ trẻ đều cảm thấy phấn khởi, tích cực khi được tham gia Đề án, mặc dù tiền công nghiên cứu thấp, chỉ 4-5 triệu/người/tháng. Các nhóm nghiên cứu cũng đều bày tỏ nguyện vọng Đề án sẽ tiếp tục được thực hiện với mục tiêu dài hơi hơn, có thể là 5-10 năm, nhằm hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng để từ đó hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có khả năng phát triển các công nghệ chủ chốt.

Vậy trong tương lai, sau lần thí điểm này, đề án có khả năng tiếp tục được thực hiện hay không?

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng Tư năm ngoái trong phần giải pháp nêu rõ, xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ KH&CN tiềm năng cho cán bộ khoa học trẻ trong các trường đại học và các viện nghiên cứu trọng điểm. Nghị quyết số 20 về phát triển KH&CN được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua bảy tháng sau đó cũng đề cập “phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu để làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp KH&CN”. Như vậy chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện một chương trình tìm kiếm và phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng ở quy mô lớn hơn mà Đề án vừa qua là bước khởi động ban đầu.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

18 đề tài được Hội đồng tư vấn dánh giá xếp loại xuất sắc

* ĐH Bách khoa Hà Nội:

- Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dùng trong điều trị thận nhân tạo (Bộ môn Công nghệ điện tử và Kỹ thuật y sinh)

- Nghiên cứu quy trình chiết tách phân đoạn có hoạt tính sinh học từ cây Xa kê (Artocarpus altilis, Moraceae) và cây Măng cụt (Garcinia mangostana Linn, Clussiaceae) (Viện Kỹ thuật hóa học)

- Nghiên cứu nâng cao tính kinh tế nhiên liệu và giảm phát thải độc hại cho động cơ xăng bằng cách cung cấp hỗn hợp khí giàu hydro cho động cơ (Viện Cơ khí động lực)

- Nghiên cứu chế tạo một số vi cơ câu (mô tơ, bánh răng siêu nhỏ) sử dụng trong các hệ thống micro robot phục vụ trong lĩnh vực y sinh dựa trên công nghệ vi cơ điên tử (Viện Cơ khí)

- Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống điều khiển tích hợp theo công nghệ hướng đối tượng (MDA&RealTime UML) và thiết bị dẫn đường (INS/GPS) cho các phương tiện tự hành dưới nước (Viện Cơ khí động lực)

- Nghiên cứu thiết kế và chế tạo ổ đỡ sử dụng đệm từ trường (Viện Điện)

* ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

- Thiết kế chip nhận dạng tiếng nói tiếng Việt trên nền công nghệ FPGA (ĐH Bách khoa)

- Chế tạo mực in nano bạc và ứng dụng trong công nghệ in các mạch điện tử  (Phòng thí nghiệm nano)

- Nghiên cứu chế tạo thiết bị quán tính ba trục (ĐH Bách khoa)

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ phụt vữa cao áp và phát triển thiết bị thi công Jetgrouting ĐH Bách khoa)

* Viện Hàn lân KH&CN Việt Nam

- Nghiên cứu chế tạo vật liệu compozit trên cơ sở nhựa polyolefin (polyetylen, polypropylen) khâu mạch và bột gỗ biến tính ứng dụng làm vật liệu xây dựng kiến trúc nội – ngoại thất (Viện Kỹ thuật nhiệt đới)

- Nghiên cứu sản xuất chế phẩm synbiotic từ vi khuẩn sinh bào tử và cám gạo (Viện Công nghệ sinh học)

* ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội

- Nghiên cứu tổng hợp vật liệu tổ hợp quang xúc tác N/Fe-C-TiO2 cấu trúc nano trên than hoạt tyinhs đẻ ứng dụng trong xử lý thuốc trừ sâu

- Biến tính tro bay làm xúc tác cho quán trình ooxxi hóa tiên tiến, ứng dụng trong xử lý nước thải dệt nhuộm

* Bộ Quốc phòng:

- Mô hình, giải pháp phát hiện và cảnh báo cháy dựa trên kỹ thuật thị giác máy phục vụ công tác phòng chống cháy nổ (Học viện Kỹ thuật quân sự)

- Nghiên cứu lên men tỏi đen từ tỏi Lý Sơn và đánh giá tác dụng sinh học của sản phẩm tạo ra (Học viện Quân y)

* Hệ hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sống Vu Gia, tinhe Quảng Nam (ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh)

* Phân lập và xác định genotype của Porcine Circovirus Type 2 ở đàn lợn (ĐH Nông nghiệp Hà Nội)