Bản in
Người đầu tiên đưa công nghệ trồng cây không cần đất vào Việt Nam
Cuộc gặp với GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Thạch cho tôi cảm nhận về sự giản dị, chân thành của một nhà giáo, và đặc biệt gây ấn tượng là niềm đam mê lớn của một nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học. Ông chính là người đầu tiên đưa công nghệ trồng cây không cần đất vào Việt Nam.

Trồng cây không cần đất

Cách đây hơn chục năm, GS.TS Nguyễn Quang Thạch bắt đầu nghiên cứu về công nghệ khí canh: trồng cây không cần đất như phương pháp truyền thống nhưng vẫn cho ra các sản phẩm cây trồng sạch. Khi đó công nghệ này ở Việt Nam vẫn rất mới, còn trên thế giới tuy đã áp dụng tại một số quốc gia tiên tiến nhưng việc nắm được bí quyết công nghệ là điều cực kỳ khó khăn. Sau nhiều nỗ lực nghiên cứu và học hỏi, đến năm 2006, ông chính thức bắt tay vào thực hiện đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình công nghệ Sinh học quốc gia “Nghiên cứu làm chủ công nghệ khí canh và xây dựng mô hình công nghiệp sinh học sản xuất giống khoai tây, rau, hoa sạch bệnh”. Đến năm 2010, công trình được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch cho biết, nguyên lý của công nghệ này là phun dinh dưỡng dạng sương mù vào bộ rễ, kích thích cây ra rễ mà không cần đến sự tham gia của đất. Theo tính toán sơ bộ, áp dụng công nghệ khí canh có thể giảm 98% chi phí về nước, 95% phân bón và 99% thuốc bảo vệ thực vật. Công nghệ khí canh không sử dụng đất nên môi trường có độ sạch cao, cây sạch bệnh. Khi trong hệ thống có một cây bị nhiễm bệnh thì có thể di chuyển ra khỏi hệ thống dễ dàng mà không ảnh hưởng đến cây khác.

Đặc biệt, do chủ động được quá trình sinh trưởng và hình thành củ, nên năng suất cây khi thu hoạch cao hơn, với khoai tây số lượng củ có thể đạt từ 15-200 củ/cây, tùy giống. Trong khi đó, phương pháp cũ chỉ có thể cho 5-10 củ/cây. Ngoài khoai tây, ông cùng các chuyên gia ở Viện Sinh học nông nghiệp đã nhân giống cà chua, dâu tây, ớt ngọt, hoa cẩm chướng… bằng công nghệ khí canh. Công nghệ này đã được chuyển giao cho những người chuyên trồng rau, củ sạch ở những vùng trọng điểm của Hà Nội và Lâm Đồng…

Trăn trở đưa ngành sinh học lớn mạnh

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, lĩnh vực sinh học có liên quan rất nhiều đến y tế và nông nghiệp, nhất là khi Việt Nam là một nước nông nghiệp. Trong đó, sự ra đời của Hội Các ngành sinh học Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các thành tựu nghiên cứu khoa học, những tiến bộ kỹ thuật mới vào nông nghiệp cũng như giải quyết nhiều vấn đề đang phát sinh, ví dụ như Hội Di truyền học Việt Nam, Hội Sinh lý thực vật Việt Nam, Hội Côn trùng học Việt Nam...

“Không thể nhận định rằng chất lượng khoa học Việt Nam là thấp, bởi bên cạnh việc chuyển giao các thành tựu khoa học vào cuộc sống, các nhà khoa học Việt Nam cũng đang có rất nhiều những phát hiện mới...” - Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Thạch, Nguyên Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp, Phó Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn các hội hoạt động hoàn toàn do tâm huyết, không có một nguồn kinh phí hỗ trợ nào. Chúng ta không nên bao cấp, nhưng Nhà nước nên khuyến khích cơ chế “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cụ thể để các hội có thể có kinh phí hoạt động, đồng thời phải trả bằng sản phẩm cụ thể.

Hội các ngành sinh học Việt Nam hiện nay rất lớn, tới 12.000 hội viên gồm 15 hội con và nhiều cấp hội nhỏ khác... trong khi, hội chỉ duy nhất có 1 con dấu và 1 tư cách pháp nhân. Do vậy, khi các hội con có vấn đề cần phải trao đổi, các chương trình hợp tác, cần tư cách pháp nhân trong việc ký kết thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc nâng cấp hình thành tổng hội rất quan trọng để các hội thành viên có tư cách pháp nhân là điều hết sức cần thiết.

Trước vấn đề nhiều người cho rằng, nên thiên về khoa học ứng dụng hơn khoa học cơ bản, GS.TS Nguyễn Quang Thạch cũng chia sẻ, khoa học tức là sự nghiên cứu phát hiện cái mới và công bố các phát hiện mới. Các công bố đó ở những tạp chí càng có uy tín lại càng có giá trị khoa học. Tuy nhiên, khoa học ứng dụng cũng rất quan trọng, tức là kiểm chứng, xem nó đáp ứng được đến đâu những yêu cầu của thực tiễn sản xuất. “Rõ ràng, khoa học cơ bản soi sáng để cho khoa học ứng dụng trên cơ sở sử dụng những kết quả khoa học cơ bản để đưa vào ứng dụng. Trong bối cảnh này, chúng ta phải tranh thủ những thành tựu nghiên cứu khoa học cơ bản trong nước cũng như mọi nước và đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, đây là cách tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch nhấn mạnh.