Bản in
Nhân lực Khoa học - Công nghệ: Vẫn loay hoay tìm lời giải
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng nhìn chung khoa học - công nghệ của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, tụt hậu khá xa so với thế giới và khu vực. Theo các chuyên gia, một phần nguyên nhân là do chúng ta thiếu cán bộ giỏi và các "tổng công trình sư". Đặc biệt, sự thiếu hụt đội ngũ kế cận đang ở mức báo động.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đến cuối năm 2010 cả nước có 1.513 tổ chức KH&CN, trong đó có 1.001 tổ chức ở trung ương và 512 tổ chức tại địa phương. Số người làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có 60.543 người, phân bổ theo 5 lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học nông nghiệp; khoa học y - dược và khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Như vậy, số tổ chức KH&CN cũng như đội ngũ nghiên cứu khoa học đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. So với năm 1996, số tổ chức KH&CN đã tăng gấp gần ba lần; nhân lực KH&CN cũng tăng gấp ba lần. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của đội ngũ nói trên được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng thừa nhận: "Bên cạnh những hạn chế như chất lượng nhân lực vẫn còn thấp, lại phân bố chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề, công tác quy hoạch phát triển nhân lực trình độ cao chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện còn rời rạc. Công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực còn rất yếu kém. Sự kết hợp với chỉ đạo giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chưa chủ động cũng là một trong những "rào cản" cho nền khoa học "cất cánh".

Gần 10 năm qua, Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam rất khó khăn để tuyển những người xuất sắc vì còn thiếu cơ chế, chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đội ngũ này - Phó Viện trưởng Viện Toán học Phùng Hồ Hải cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Viện Toán học, thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học Việt Nam là đội ngũ làm khoa học có trình độ ngày càng ít dần, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, giới trẻ không muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học vì không nhìn thấy tương lai phát triển và ổn định cuộc sống. Vấn đề ở đây không chỉ là chế độ đãi ngộ mà còn là hệ thống của chúng ta đang còn mang nặng tính hành chính, không theo thông lệ quốc tế.

Đi tìm lời giải

Điều đáng nói là, theo các chuyên gia, đội ngũ cán bộ KH&CN hiện không chỉ thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu các "tổng công trình sư", mà còn thiếu cả các cán bộ trẻ có trình độ cao.

PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: "Ngành khoa học xã hội đang đứng trước nguy cơ thụt lùi về trình độ nhân lực, đang xảy ra tình trạng lớp kế cận chưa theo kịp về trình độ lớp đi trước. Cơ chế đang làm khó các nhà khoa học, chưa khơi dậy được niềm đam mê của họ với nghiên cứu. Vì vậy cần phải xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, nếu không khoa học rất khó phát triển".

Theo Viện trưởng Viện Toán học Ngô Việt Trung, để giới trẻ chọn con đường khoa học, Nhà nước phải có chính sách đãi ngộ bảo đảm cho cán bộ khoa học có nguồn thu nhập ổn định. Theo ông, đề án đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực KH&CN cao giai đoạn 2012-2020 vẫn chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển lâu dài và bền vững của cả nền khoa học. Để đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cần phải có chương trình đào tạo cán bộ trẻ ở nước ngoài bằng kinh phí nhà nước cho các viện nghiên cứu.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, việc thu hút cán bộ trẻ vào hoạt động nghiên cứu KH&CN là một định hướng của Bộ trong thời gian qua. Để thực hiện điều này, Bộ đã hình thành một chương trình nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN tiềm năng dành cho những người trẻ tuổi. "Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" cũng là bước tiến mới trong sự đổi mới về cơ chế đầu tư, tài chính và chính sách với cán bộ KH&CN. Song vấn đề được kỳ vọng hơn cả là các giải pháp khả thi được thực hiện quyết liệt, tới cùng nhằm giải phóng sức sáng tạo cho các nhà khoa học, tạo động lực cho KH&CN phát triển.