|
|||
Gần 10 năm nay, đánh vật với thổ nhưỡng, khí hậu đất cằn sỏi đá, ông Mai Viết Phương đã xây dựng được một trang trại với quy mô hàng 100ha cây ăn quả các loại, cung cấp cho thị trường những cây giống và quả có chất lượng. Chúng tôi gặp ông Phương trong những ngày cuối cùng của năm, khi ông cùng các công nhân đang tất bật chuyển cây giống và quả ngọt đi đến các nơi đã đặt hàng trước. Theo ông Phương cho biết, để có những chậu cam, quýt chơi Tết rất nhiều người đã phải đặt hàng trước cả nửa năm nay, giờ là lúc giao hàng, bởi vì trong khu vườn của ông ngoài cam thành phẩm ra, ông Phương còn nghiên cứu cung cấp cây giống cho rất nhiều địa phương. Sinh ra ở Long Xuyên (An Giang), ông Phương học đại học tại Sài Gòn và qua Úc du học từ những năm 1960. Tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, ông Phương ở lại Úc làm việc cho Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Tây Sydney. Năm 1985, ông bắt đầu những chuyến đi về Việt Nam đưa các giống cây của Úc về trồng ở quê nhà và đưa rau húng, ngò, tía tô… của Việt Nam sang trồng ở Sydney. Trong những chuyến đi đó, nhận thấy chất lượng cây ăn quả Việt Nam, nhất là các loại cây có múi như cam, quýt, hầu như bị thoái hóa, năng suất thấp, trái không ngon, trong khi giống mới thay thế chưa có, ông Phương ấp ủ ý định thành lập một vườn thực nghiệm các giống cây ăn quả chất lượng cao. Mãi đến năm 2000, ý định này mới có thể thực hiện khi ông nhận lô đất rộng 24ha tại Finnôm, huyện Đức Trọng để thực hiện ước mơ nhân giống cây của Úc trên đất Việt Nam. Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học, ông đã mang hết cả tài sản vốn liếng đầu tư ngiên cứu trồng thử nghiệm ở vùng đất Lâm Đồng. Khi ông bắt tay vào dự án sản xuất, có nhiều người can ngăn rằng đất Lâm Đồng không hợp trồng các loại cây có múi, nhưng với lòng đam mê nghiên cứu khoa học và muốn đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà ông đã không quản ngại khó khăn cùng với các đồng nghiệp cũ của ông tại Đại học Sydney giúp đỡ ông đã trống thử nghiệm 10ha cam Caracara, Navel, Tangalo, 14ha còn lại ông trồng chanh không hạt, quýt, xoài, nhãn đều không hạt mang từ Úc về. Ban đầu với 24ha do tỉnh Lâm Đồng cấp cho ông đến nay ông đã nhân rộng và phạt triển vườn cây của mình ra gần cả 100ha Hiện nay, số lượng cây giống trong vườn của ông có khoảng 100.000 cây, một tháng ông cung cấp ra thị trường khoảng 10 – 15.000 cây, đó là các giống cây chủ lực như cam caracara, cam Xê lô, cam Navel, quýt không hạt có hai loại, loại quả lớn và loại quả nhỏ, chanh có chanh ruột xanh không hạt. Vườn cam thành phẩm 8 năm tuổi có 20ha, 3 năm tuổi có 50ha. Ông cho biết, hiện nay thị trường thành phố đang rất ưa chuộng loại cam này, giá khoảng 40.000/kg, quýt khoảng 30.000 đồng, chanh 20.000 đông. Theo đánh giá phản hồi của người tiêu dùng thì các giống quả này chất lượng rất tốt. Ngoài việc trồng chăm sóc cho các vườn cây thành phẩm ra, ông Phương đã tư vấn cung cấp cây giống cho rất nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang… theo ông cho biết sở dĩ giống cam này có thể kéo dài 80 năm vì cam được ghép trên một cây khác có tuổi đời lâu phải nhập từ Úc về. Do đó hiện nay giá thành của cây giống hơi cao khoảng 150 ngàn/cây 2 năm tuổi. Với thành công bước đầu của dự án trồng cam quý trên mảnh đất cằn, ông lại tiếp tục nghiên cứu đề án nhân rộng giống cam caracara trên địa bàn tỉnh. Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học và muốn đóng góp sức mình cho nền nông nghiệp Việt Nam, ông Mai Viết Phương đã vinh dự được nhiều bằng khen của tỉnh về những đóng góp của mình, nhưng ông vẫn quan niệm rằng, cần phải cố gắng hơn nữa để tạo ra những giống cây tốt cung cấp cho bà con nông dân bớt khổ. Ông luôn tâm niệm rằng, mình chỉ làm khoa học, không làm kinh tế, là người Việt Nam đã định cư lâu ở nước ngoài, tôi muốn góp một phần công sức cho đất nước cho người nông dân đỡ cực mà thôi. Mười năm đã trôi qua trên trang trại cam không hạt của ông Mai Viết Phương, đến nay các sản phẩm của trang trại đã xuất khẩu ra nước ngoài Malaysia, Singapore… còn thị trường trong nước, chủ yếu vẫn là các siêu thị lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng. Nhưng có lẽ với ông Phương cái được nhất mà ông làm chính là làm cho người dân tin mình, mình đã làm được thì mới nói cho dân nghe được. Vì lẽ đó mà ông quyết tâm làm dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn leo dốc lên những đồi cam đang trĩu quả để thăm nom chăm sóc cùng công nhân. Ông kỹ sư ấy như đang gieo những mầm sống trên những mảnh đất khô cằn sỏi đá trên mảnh đất Lâm Viên này. |