|
|||
Phát hiện mình bị bệnh cao huyết áp đã 7 năm, ông Nguyễn Quang Vinh, (51 tuổi, sống tại tại 80 Bà Hom, quận 6 TPHCM) cho biết, lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về sức khỏe. Trước đây khi dùng thuốc tây, uống thì huyết áp hạ, không uống lại tăng lên. Nhiều lần gia đình phải đưa đi cấp cứu lúc nửa đêm. Nhưng từ 2 năm nay uống thuốc Ruvintat, thấy huyết áp đã ổn định, người khỏe hẳn lên, ăn uống không còn phải kiêng cữ, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường. Theo ThS-BS Hà Thị Hồng Linh, Phó Khoa Nội y học, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, ông Vinh là một trong số 400 bệnh nhân bị rối loạn mỡ trong máu và huyết áp cao được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện. Sau khi uống thuốc ruvintat 6 tuần, rối loạn mỡ trong máu ở mức độ cao trở lại bình thường. Cùng với đó những bệnh nhân mắc chứng huyết áp cao cũng trở lại mức ổn định. Về thành phần, ruvintat được điều chế từ dược liệu trong nước hoa hòe, rễ ngưu tất, dừa cạn, mã đề, vông nem, râu bắp, muồng trâu, câu đằng… So với thuốc tây, ruvintat có tác dụng chậm hơn. Nhưng ưu điểm của loại thuốc này là không gây bất kỳ tác dụng phụ nào. Kể cả tăng men gan thường thấy ở bệnh nhân điều trị mỡ trong máu và huyết áp cao bằng các loại hóa dược. Để cho ra đời revintat là sự đánh đổi rất nhiều tâm huyết và công sức của ThS Dương Thị Mộng Ngọc. Chị kể, để ra được sản phẩm phải trải qua khá nhiều quy trình, từ tiền lâm sàng (chiếc xuất, định tính các chất trong dược liệu có tính năng như thế nào), đến thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh. Nhiều khi rời công việc mới biết trời đã gần sáng. Sau 2 đề tài nghiên cứu trong khoảng thời gian 15 năm, runvintat mới hoàn thành và được Bộ Y tế công nhận. “Hiện nay thuốc điều trị bệnh tim mạch (dược phẩm tây y) khá đắt tiền và thường gây các phản ứng phụ, nên xu hướng trên thế giới hiện nay là dùng nguồn dược liệu trong thiên nhiên để sản xuất thuốc. Kết quả nghiên cứu này mở ra triển vọng cho hướng sản xuất chế phẩm từ đông dược vừa rẻ tiền mà hiệu quả”, ThS Ngọc cho biết thêm. Được biết, ruvintat là kết quả nghiên cứu đầu tiên do Sở KH-CN TPHCM cấp kinh phí và được nhiều doanh nghiệp muốn sở hữu công nghệ phục vụ sản xuất thương mại. Hiện đã 2 đơn vị là Công ty CP Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Đồng Tháp gửi phương án tiếp nhận công nghệ sản xuất thuốc này. |