|
|||
Ðề tài do bạn trẻ Ðỗ Ngọc Thanh Mai (trong ảnh), hiện đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu sinh học (Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh) thực hiện đã vinh dự đoạt Giải thưởng Ðề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo năm 2012 do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Ðỗ Ngọc Thanh Mai thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người nông dân quê mình. Tốt nghiệp cấp ba, Thanh Mai thi đỗ hai trường đại học: Kinh tế Quốc dân và Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Vì luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để giúp bà con quê mình phát triển sản xuất, Mai đã không ngần ngại chọn Trường đại học Nông lâm... Thanh Mai tâm sự: Nhà tôi cách biển Ninh Thuận chừng 10 km. Bà con ven biển sống chủ yếu bằng nghề trồng tỏi. Cả huyện, nhà nào cũng trồng tỏi từ ba đến năm sào. Thường thì hằng năm sau mỗi mùa thu hoạch, bà con chọn những củ tỏi to, trắng, ngon nhất để làm giống cho năm sau. Vậy mà không phải năm nào người trồng tỏi cũng được mùa. Không ít năm, vì thời tiết xấu, sâu bệnh, nhánh tỏi trồng xuống đất rồi không sinh trưởng được. Tỏi thu hoạch ít. Bà con lỗ vốn, đời sống nghèo vẫn nghèo. Chỉ tính riêng phần giống, cứ trồng khoảng một ha, bà con phải để lại 350 kg tỏi. Việc để giống tỏi cũng rất khó khăn. Có năm giống mất mùa, tỏi bị hỏng, người nông dân phải mua từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg tỏi giống. Có gia đình chỉ bị mất mùa một năm đã trở nên trắng tay. Nếu trồng bình thường, tỏi giống được tách tép rồi gieo xuống đất. Thời gian sinh trưởng của cây tỏi từ khi gieo đến lúc thu hoạch mất từ bốn đến năm tháng. Trồng tỏi thường vào vụ Tết Nguyên đán, thời kỳ bận bịu nhất của người nông dân, sau Tết, đến tháng 4 âm lịch mới cho thu hoạch. Ðịa bàn tỉnh Ninh Thuận quanh năm nắng như "chan" lửa. Người nông dân phải rất khó nhọc mới gieo trồng được cây tỏi. Nhưng đến vụ thu hoạch cả ruộng tỏi bát ngát, trừ tiền giống, thuốc phòng chống sâu bệnh, người trồng cũng chẳng thu lãi được là mấy. Ngay từ năm cuối đại học, Thanh Mai đã tập trung nghiên cứu đề tài "Tạo củ tỏi ta từ việc tái sinh phôi vô tính của chóp rễ". Ðó là cách nhân giống cây tỏi theo phương pháp mới trong phòng thí nghiệm. Mẫu chóp rễ được sử dụng cho quá trình phát sinh mô sẹo, tái sinh phôi vô tính, hình thành chồi con và tạo củ. Trong môi trường đặc thù, chồi con hoàn chỉnh. Củ tỏi mới được tạo ra với tỷ lệ cao 91,67% và kích thước củ lớn (4,37 mm). Cây tỏi nuôi trồng theo phương pháp mới khi đem ra ngoài vườn ươm, sinh trưởng tốt sau 15 ngày. Hệ số nhân giống trung bình được ước tính tạo ra 968 củ con, gấp 88 lần so với hệ số nhân giống ngoài đồng. Thời gian nhân giống là 3,5 tháng, ngắn hơn khoảng một tháng so với nhân giống thông thường. Ngày những mẻ tỏi giống trồng theo phương pháp mới ra đời, thành công nhiều hơn mong đợi. Thanh Mai chia sẻ: Ninh Thuận là quê hương của những vựa trái cây đặc sản như táo xanh và nho. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài tạo giống cho tỏi, tôi sẽ tập trung nghiên cứu về hai loại giống đặc sản này. Mong rằng, Ninh Thuận không những là địa phương nổi tiếng về du lịch mà còn được biết đến với những vườn cây đặc sản. Ðược biết, trong quá trình học tập tại Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Ðỗ Ngọc Thanh Mai còn đoạt nhiều giải thưởng, như: giải nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 13 (năm 2011) do Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh trao tặng, giải khuyến khích Giải thưởng Tài năng nghiên cứu khoa học trẻ (năm 2011) do Bộ Giáo dục và Ðào tạo trao tặng. |