|
|||
Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và Thiết kế Vi mạch, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đơn vị đồng tổ chức cuộc thi sẽ cho biết rõ hơn về cuộc thi này. - Hiện nay, có rất nhiều các loại chip do các hãng nổi tiếng trên thế giới sản xuất với các tính năng đa dạng, nhưng tại sao Ban tổ chức lại chọn chip thuần Việt SG8V1 làm ý tưởng ứng dụng sản phẩm dự thi, thưa ông? - Hiện chip SG8V1 đã được giới công nghệ vi mạch khẳng định là dư sức cạnh tranh với chip cùng chủng loại của các hãng danh tiếng thế giới về chất lượng và giá thành. Việc chế tạo 150.000 con chip để thực hiện thương mại hóa trên các sản phẩm của Công ty SaiGon Track chuyên về định vị cũng đã được xác định. Tức là từ khâu chế tạo đến đầu ra cho SG8V1 đã sẵn sàng. Chúng tôi có thể tự hào tuyên bố, hiện nay chúng tôi đang sở hữu một loạt các IP trị giá 30 triệu USD. Các chip made in Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với chip của các hãng sản xuất nổi tiếng trên thế giới. Chúng ta cũng biết, một sản phẩm trong phòng thí nghiệm và một sản phẩm thương mại hóa rất khác nhau vì vậy tổ chức cuộc thi này là nhằm mục đích để chúng tôi có thể nhận được những ý kiến phản biện, những đóng góp xác đáng từ các nhà khoa học trong và ngoài nước để hoàn thiện sản phẩm. Cho dù hiện nay, chúng tôi có thể khẳng định chip SG8V1 đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm tương tự trên thế giới. Với mong muốn hoàn thiện chip SG8V1 để mọi người dân Việt Nam đều sử dụng được thì còn gì tốt hơn là sự tham gia của cộng đồng nghiên cứu vi mạch. Đó chính là lý do chip SG8V1 được chọn để làm ý tưởng sáng tạo sản phẩm chúng tôi tổ chức cuộc thi này. - Được biết, TP Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển ngành công nghiệp vi mạch mà SG8V1 là một trong những hạt nhân. Vậy chúng ta có thể kỳ vọng gì về chip SG8V1? - Sản phẩm SG8V1 hình thành từ sự đầu tư của Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh và sau đó là Bộ KH&CN và mục đích của nó là phải thương mại được. TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban chỉ đạo thành lập phát triển ngành công nghiệp vi mạch với Trưởng Ban là ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, các phó ban là ông Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Phan Thanh Bình, giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Sự tham dự của các phó Ban cho thấy rằng, đối với nền công nghiệp vi mạch của thành phố, không thể có đơn lẻ của địa phương mà cần có sự kết hợp của các Ban, Ngành khác. Ban chỉ đạo xác định, Chương trình phát triển ngành công nghiệp vi mạch không thể tách rời với các Chương trình trong định hướng chỉ đạo đổi mới căn bản, triệt để của Bộ KH&CN như: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Chúng tôi còn nhớ cách đây 1- 2 năm, có một số người vẫn nói đùa, các bạn làm ra con chip chắc để các bạn sử dụng thôi chứ làm sao bán được. Thú thực, lúc đầu con chip đầu tiên ra đời chỉ để mình dùng thật vì không đầy đủ tính năng, phần mềm để sử dụng cũng viết để cho mình nên cũng chỉ mình mới có có thể dùng được. Hiện nay, chúng tôi đã có công ty liên doanh để thương mại hóa con chip này thế nhưng để tất cả mọi người có thể sử dụng được thì đòi hỏi rất nhiều yêu cầu khác nhau. Vậy nên câu đùa trên hay cũng là câu chê trách kia cũng đúng ở góc độ nào đó. Chúng tôi đã quyết tâm sản xuất con chip SG8V1 để có thể thương mại hóa cho mọi đối tượng ở Việt Nam. - Thông qua cuộc thi này, Ban tổ chức mong muốn nhận được gì, thưa ông? - Thứ nhất là các loại sản phẩm khác nhau sử dụng SG8V1 trong các lĩnh vực, là những sản phẩm tốt thực sự để có thể biến thành sản phẩm thương mại hóa được. Thứ hai là chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến phản biện, có như vậy thì mới có thể tiếp tục hoàn thiện, phát triển các thế hệ chip tiếp theo tiến bộ hơn, mang tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cuối cùng với sự phát triển, phổ biến rộng rãi của SG8V1, những kỹ sư, những sinh viên Việt Nam ra trường khi thiết kế sản phẩm sẽ chọn SG8V1 đầu tiên hơn là chọn các con chip của nước ngoài. Chúng tôi cũng kỳ vọng là phổ biến rộng rãi, tạo được niềm tin từ nhà khoa học đến các sinh viên rằng, chúng ta bắt đầu đã có sản phẩm công nghệ của người Việt Nam và bây giờ chúng ta cùng chung tay góp sức để thực hiện, xây dựng ngành công nghiệp mới đó. Nghiên cứu sản xuất chip tại Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch TP Hồ Chí Minh - Vậy thí sinh khi tham gia cuộc thi sẽ được ủng hộ gì? - Ngoài giải thưởng dành cho giải pháp ứng dụng sản phẩm với giá trị 30.000.000 đồng, cuộc thi còn có phần thưởng dành cho việc tham gia phát hiện lỗi, góp ý, phê bình, mà giải nhất cho việc "chê hay và tìm ra lỗi giỏi" là 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, khi tham gia cuộc thi, các thí sinh sẽ được cung cấp, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng vi điều khiển SG8V1. Ngoài ra, khi thí sinh tham dự thực hiện mạch ứng dụng, sẽ được tài trợ toàn bộ kinh phí để thực hiện mạch in, linh kiện và lắp ráp để hoàn thành sản phẩm dự thi. Xin trân trọng cảm ơn ông! Bài và ảnh: Minh Châu |