Bản in
Việt Nam đã có sản phẩm chip thương mại đầu tiên
Nằm trong Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM, vừa qua, Trung tâm Thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố hoàn thành sản phẩm chíp SG8V1. Đây là sản phẩm nằm trong dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG8V1” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đầu tư.

Đây là con chip đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hướng thương mại. Sản phẩm của dự án gồm 150.000 con chip SG8V1 và 2.000 Kit De sử dụng chip SG8V1 nhằm phục vụ cho thị trường điện tử và cho các trường đại học tại Việt Nam. SG8V1 là một vi điều khiển RISC 8-bit đa dụng được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC, thành viên Ban chỉ đạo Chương trình công nghiệp phát triển vi mạch TP.HCM, “tính năng của chip SG8V1 đã vượt xa rất nhiều so với yêu cầu của dự án ban đầu. Bởi 150.000 con chip là một số lượng quá nhỏ, không một nhà máy sản xuất nào trên thế giới nhận sản xuất. Trong thời gian khó khăn này (năm 2010), ICDREC đã nhận được 2 đề tài từ Bộ Khoa học và Công nghệ về nghiên cứu chế tạo bộ IP xử lý, kết quả của đề tài đã làm nền tảng và cơ sở để chúng tôi xin phép Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nâng cấp sản phẩm chip SG8V1. Do vậy, SG8V1 là sản phẩm được tích hợp các kết quả thông qua 2 đề tài nghiên cứu mà Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ”.

Cũng theo phía đơn vị thực hiện là ICDREC thì các chuyên gia thiết kế hoàn toàn tin tưởng vào các tính năng ưu việt của SG8V1 và có thể cạnh tranh với các sản phẩm chip vi mạch của các hãng nổi tiếng trên thế giới như: Microsoft, Apple…, trong khi giá bán chỉ vào khoảng 50% so với sản phẩm của các hãng, đấy là giá bán của số lượng sản xuất 150.000 con chip, nếu số lượng sản xuất tăng lên thì giá bán còn có khả năng thấp hơn nữa.
Với môi trường phát triển tích hợp, SG8V1 được gọi là iFast, có phần mềm nhỏ gọn, cung cấp tính năng của một môi trường phát triển tích hợp hiện đại cùng các tính năng cơ bản của phần mềm như: Tô màu từ khoá, thu gọn cấu trúc mã nguồn, giao diện tab, chuyển đổi giữa tập tin mã nguồn và tập tin header… iFast hỗ trợ cho các hệ điều hành: Windows 7/XP, Ubuntu/Debian, Redhat/CentOS.

Tuy nhiên, trước khi trở thành một sản phẩm thương mại hoàn hảo và được đưa vào sản xuất, ICDREC đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam - VMAC 2013. Cuộc thi dành cho tất cả những cá nhân, tổ chức quan tâm, yêu thích công nghệ vi điều khiển và trình biên dịch trong và ngoài nước. Cuộc thi được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích mọi người cùng nhau góp sức để tạo ra các sản phẩm vi mạch nói chung và vi điều khiển Việt Nam nói riêng với chất lượng cao, phù hợp thị trường tiêu dùng. Đồng thời, các ý kiến phản biện về vi điều khiển và trình biên dịch Việt Nam về con chip SG8V1 của các chuyên gia, lực lượng nghiên cứu, sinh viên sẽ được ghi nhận và xem xét để phát triển sản phẩm hoàn thiện hơn nữa trước khi gửi đi sản xuất hàng loạt.

Theo ông Đỗ Văn Lộc - Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia về khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, “thông qua cuộc thi, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm những ý tưởng, những sản phẩm có tiềm năng phát triển để đầu tư hỗ trợ theo Chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ”. Theo đó, mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ có 30 cơ sở vườn ươm công nghệ được đặt ở các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao… Và cuộc thi này sẽ góp phần giúp chúng tôi phát hiện và phát triển các tiềm năng về khoa học công nghệ, giúp những ý tưởng, những sản phẩm dở dang có cơ hội và nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để trở thành những sản phẩm khoa học công nghệ thương mại được ứng dụng trong đời sống và sản xuất.

Việc thiết kế thành công chip SG8V1 theo hướng thương mại đã khẳng định trình độ nắm vững công nghệ nguồn trong vi mạch điện tử không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế về khoa học kỹ thuật mà còn có ý nghĩa trong đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo mật thông tin quốc gia. Chủ trương phát triển khoa học công nghệ theo hướng công nghệ cao mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi sẽ là cơ sở nền tảng để ngành thiết kế vi mạch nói riêng và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác ngày một phát triển.

Cuộc thi VMAC 2013 chính thức nhận đăng ký từ ngày 15/1/2013 và kết thúc vào 24h ngày 18/4/2013. Ban tổ chức sẽ hỗ trợ các đội thi về kỹ thuật, thiết bị và tài chính. Mọi thông tin liên quan đến cuộc thi có tại trang web http://icdrec.edu.vn/vmac-2013; đăng ký tham dự tại http://icdrec.edu.vn/vmac2013/dang-ky.html