|
|||
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Long, Viện trưởng Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện KH và CN Việt Nam) cho biết: Kể cả chuyển tiếp và triển khai mới, năm 2012, tập thể cán bộ khoa học của viện thực hiện 20 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, hàng chục đề tài cấp bộ và một số đề tài, dự án nghị định thư với các tổ chức khoa học quốc tế. Hoạt động của viện tập trung vào các hướng chính là nghiên cứu, sàng lọc các hợp chất thiên nhiên (các chất có hoạt tính sinh học, tinh dầu, hương liệu) từ tài nguyên sinh vật trên đất liền, dưới biển và vi sinh vật. Tổng hợp và bán tổng hợp các chất có giá trị kinh tế, khoa học cao, sử dụng trong các ngành y dược, mỹ phẩm, công nghiệp. Ðồng thời chú trọng nghiên cứu công nghệ, triển khai sản xuất và kinh doanh các hóa chất phục vụ công nghiệp dược, mỹ phẩm, nông nghiệp, thăm dò và khai thác dầu khí, bảo vệ môi trường... Cách đây hơn mười năm, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên là cơ sở đầu tiên ở nước ta đã nghiên cứu chiết tách và xác định cấu trúc hoạt chất Artemisinin từ cây thanh hao hoa vàng. Phối hợp ngành y tế, viện đã chế tạo thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất hoạt chất Artemisinin thành vị thuốc chống sốt rét có chất lượng cao, phục vụ thiết thực các địa phương từng có nhiều người mắc bệnh sốt rét như Nghệ An, Cao Bằng, Sơn La. Nhờ vậy công trình chiết xuất Artemisinin đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, mà Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên là đồng tác giả. Áp dụng mô hình nghiên cứu tiên tiến, đó là "nghiên cứu hóa học theo định hướng hoạt tính sinh học", viện đã đi sâu điều tra, khảo sát nhằm sàng lọc nhanh các chất có hoạt tính sinh học cao (chống ô-xy hóa, độc tế bào trên một số dòng tế bào ung thư ở người như Hep G-2 (gan), RD (màng tim), FL (màng tử cung)... Tiếp thu kỹ thuật phân tích hiện đại và tin học, xây dựng các quy trình và tiêu chuẩn phân tích, kiểm nghiệm chất sạch bằng các thiết bị tiên tiến như máy LC - MS, HPLC, máy phân tích nguyên tố EA1112, hơn mười năm qua, viện đã mở ra hướng nghiên cứu mới: Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật biển Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống. Ðáng chú ý là việc ứng dụng triển khai công nghệ vào công tác bào chế, sản xuất một số loại thuốc và thực phẩm chức năng nhằm góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Như để chứng minh cho điều này, GS Phạm Quốc Long đưa tôi xem các sản phẩm mà thời gian qua có sự hợp tác, liên kết giữa viện với đơn vị sản xuất, kinh doanh ngoài xã hội như: Chế phẩm thuốc Cream EBS-1 (20%) từ mỡ cá biển có tác dụng điều trị tai nạn bỏng (giải thưởng VIFOTEC 2004); tinh nghệ Cucarmin hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Nhất là các mặt hàng thực phẩm chức năng được nghiên cứu, sản xuất khoảng năm năm trở lại đây từ các sinh vật biển. Ðó là sản phẩm CeFish, giúp cải thiện chức năng chuyển hóa li-pít máu, hạ huyết áp ở người bệnh tim mạch: Salamin, được tách chiết và bào chế từ rong tảo biển, có tác dụng hỗ trợ hiệu quả trong điều trị đối với các trường hợp mắc ung thư đã qua xạ trị. Thực phẩm chức năng cốt thoái vương, được sản xuất từ vẹm xanh, lâu nay tạo được uy tín với khách hàng, bởi có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp, thoát vị đĩa đệm. Hàng chục sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống là kết quả nghiên cứu hơn mười năm trời trong cụm công trình "Nghiên cứu khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên sinh vật biển có giá trị" được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2010. Ngoài ra, viện cũng hợp tác liên kết với các công ty dược phẩm trong nước để bào chế, sản xuất một số sản phẩm: Omega-3/ Omega-6, tăng khả năng chống phân bào, kháng viêm nhiễm do vi khuẩn và vi-rút, giúp củng cố hệ miễn dịch cơ thể... Các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng là thế mạnh của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên trong thời gian qua. Mười năm trở lại đây trên các cánh đồng từ vùng Bắc Bộ đến miền trung, Tây Nguyên, phân bón vi sinh đa vi lượng (HUÐAVI) được người nông dân dùng bón cho lúa, các loại cây trồng, chè, cà-phê. Các loại phân bón mang nhãn hiệu HN-2000, HUD-5, tạo màu ao nuôi tôm, HUD-6, trừ phèn và xử lý ô nhiễm, đã được Hội đồng khoa học Thổ nhưỡng Nhà nước nghiệm thu và đánh giá xuất sắc; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất, lưu hành trên cả nước. Với chất keo tụ PACN-95 làm trong sạch nước do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên nghiên cứu và chuyển giao, những năm qua đã cung cấp cho hàng chục công ty cấp nước ở Hải Dương, Nam Ðịnh, Thái Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Ðà Nẵng, An Giang, Cần Thơ... Ban chỉ đạo Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường cũng đã sử dụng PACN-95 trong xử lý nước thải cho Hà Nội, các cơ sở công nghiệp chế biến ở Phú Thọ, Quảng Ninh hay xử lý chất thải lỏng ở các bệnh viện thuộc các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai,... Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên được đánh giá là một trong các đơn vị chủ lực của Viện KH và CN Việt Nam. Với đội ngũ cán bộ có trình độ cao (gồm bốn GS và PGS, 14 tiến sĩ, 23 thạc sĩ và hơn 30 cử nhân), thường xuyên có ý thức khắc phục khó khăn và lao động sáng tạo, những năm qua, các nhà khoa học thuộc viện đã xuất bản hơn 30 đầu sách chuyên khảo, bốn giáo trình đào tạo sau đại học, gần 20 bằng độc quyền sáng chế, và hằng năm có từ 15 đến 30 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín của quốc tế. |