|
|||
Dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 được Chính phủ phê duyệt do Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu KINOKO Thanh Cao thực hiện với sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN và Sở KH&CN Hà Nội. Hiệu quả kinh tế cao Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 2000 loài nấm ăn, trong đó có 80 loài nấm ăn ngon được UNESSCO công nhận như: nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm rơm, mộc nhĩ, nấm hương, kim châm, đùi gà,... và nấm để làm dược liệu như: linh chi, nấm đầu khỉ, nấm vân chi, phục linh,... Nấm được trồng trên 100 quốc gia. Các nước sản xuất nấm hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… đã áp dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghiệp hóa nghề nấm nên đã đạt mức tăng trưởng gấp hàng trăm lần trong 10 năm qua. Nhật Bản đạt gần một triệu tấn nấm hương/năm, Hàn Quốc nổi tiếng với nấm Linh chi mỗi năm xuất khẩu thu về hàng trăm triệu USD và hiện Hàn Quốc là nước đã và đang nhập khẩu nguyên liệu (mùn cưa, rơm dạ) từ nước ta. Trung Quốc có nhiều Viện, Trung tâm nghiên cứu nấm lớn là đầu tàu để phát triển nghề trồng nấm, mỗi năm đen lại hàng tỷ USD từ xuất khẩu. Sản lượng nấm thế giới mỗi năm đạt khoảng 25 triệu tấn, trong đó Trung Quốc chiếm ½ số này. Nấm mỡ muối và nấm hộp của Trung Quốc đang xuất khẩu cho nhiều nước trên thế giới (giá từ 1.300 – 1.500 USD/tấn). Không chỉ trên thế giới, tại Việt Nam hơn 10 năm gần đây, trồng nấm đã là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Thống kê sản lượng nấm sản xuất ở phía Bắc cho thấy tốc độ phát triển của ngành nấm tăng nhanh, năm 2005 đã đạt khoảng 50.000 tấn, gấp 10 lần năm 1995. Nếu tính cả sản lượng của các tỉnh phía Nam, năm 2005 sản lượng nấm của Việt Nam đạt khoảng 170.000 tấn, xuất khẩu 50.000 – 60.000 tấn. Hiện giá nấm tươi trên thị trường nội địa rất cao, nấm mỡ 40.000 – 60.000 đ/kg, nấm sò (nấm bào ngư) 15.000 – 20.000đ/kg. Trước thực trạng người dân còn nhiều lo ngại về thực phẩm như an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, giá thực phẩm không ngừng tăng,… nấm được coi là một loại thực phẩm an toàn, giàu chất dinh dưỡng, phù hợp với nguời tiêu dùng. Thấy được những lợi ích kinh tế lớn từ việc trồng nấm, hiện rất nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng các loại nấm ăn, nấm dược liệu và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu KINOKO Thanh Cao là một trong những doanh nghiệp như vậy. Đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao cho biết, thời gian qua, Công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN và Sở KH&CN Hà Nội không chỉ khoa học kỹ thuật mà còn cả về kinh phí thông qua việc tiếp nhận, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại TP. Hà Nội”. Đây là dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của dự án nhằm áp dụng những kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực sinh học nông nghiệp để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ các loại nấm ăn, nấm dược liệu đạt hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường tại TP. Hà Nội. Thực hiện dự án, Công ty đã xây dựng mô hình tập trung chuyên sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm theo hướng công nghiệp tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với quy mô diện tích 5.000m2. Sản lượng nấm đạt 200 tấn/năm; phát triển 10 trang trại, gia trại chuyên trồng nấm ở các huyện ngoại thành Hà Nội với các loại nấm như: nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, linh chi, trân châu, kim châm, đùi gà, đầu khỉ,...; hoàn thiện các quy trình công nghệ nuôi trồng nấm trên từng loại giá thể sẵn có và phù hợp với địa phương như: mùn cưa, rơm rạ, thân lõi ngô, bông phế liệu,... Cùng với đó, Công ty còn lắp đặt thiết bị sản xuất bịch nấm công nghiệp lồng ghép với dây chuyền chế biến nấm khi tiêu thụ tươi không hết. Ngoài nấm tươi còn có nấm sấy khô, nấm đóng hộp dạng lọ thủy tinh và muối,… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hình thành mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nấm tươi tại các thành phố thị xã, thị trấn, khu đông dân cư, các nhà hàng khách sạn. Liên kết giữa các nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp thị trường tối ưu cho sản phẩm nấm nhằm thúc đẩy phát triển ngành nấm một cách bền vững. Xã Đốc Tín là địa điểm khá thuận lợi để thí điểm mô hình nói trên cả về giao thông (cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50 km) và trong tương lai gần sẽ là một trong các điểm du lịch Sông Đáy – Chùa Hương. Sản phẩm nấm có thể đáp ứng nhu cầu thị trường cho khách du lịch Chùa Hương và nội thành Hà Nội. Xã hiện có số dân trên 4.500 người, diện tích đất nông nghiệp hơn 330 ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm gần 164 ha. Nghề nghiệp và nguồn thu chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người 8,2 triệu/năm. Mỗi năm, lượng rơm rạ bỏ đi khoảng 3.300 tấn rất lãng phí, ô nhiễm môi trường. Nếu huy động nguồn rơm, rạ, mùn cưa, thân lõi ngô nghiền cũng có hàng ngàn tấn. Thực hiện dự án này, các chuyên gia đã đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên, hộ gia đình làm chủ các công nghệ nuôi trồng, bảo quản và sơ chế nấm; giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 250 lao động chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trồng nấm; tranh thủ được các điều kiện thuận lợi về địa hình, thị trường, đặc biệt là nguồn phế phẩm nông nghiệp và nhân lực dồi dào. Bà Dương Thị Thu Huệ cho biết, trồng nấm không cần nhiều diện tích, vốn đầu tư thấp, kỹ thuật không khó nhưng lại tạo ra giá trị cao vượt trội so với nhiều cây trồng vật nuôi khác, gấp 20 lần trồng lúa và cả chục lần so với rau. Nhờ đầu tư vào trồng và sản xuất nấm, hiện công ty đã có bước phát triển vượt bậc, quy mô của công ty hiện gấp hàng chục lần so với 3 năm trước. Năng suất lao động đã tăng gấp đôi so với thời gian trước nhờ cải tiến sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Kết quả của dự án sẽ tạo tiền đề cho phát triển sản phẩm nông nghiệp giá trị cao nói chung và ngành trồng nấm nói riêng trên địa bàn Hà Nội. Với hiệu quả như đã nói, có thể khẳng định mô hình này hoàn toàn có thể chuyển giao công nghệ, nhân rộng tại nhiều huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, tăng thu nhập cho các hộ gia đình và bà con nông dân. Nguyễn Hạnh |