Bản in
Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
Các công trình nghiên cứu về thiết bị y tế do Vũ Duy Hải sáng tạo không chỉ hữu dụng với y bác sĩ, giúp đất nước có thể tiết kiệm nguồn ngoại tệ đáng kể khi không cần phải nhập khẩu mà còn tạo ra giá trị nhân văn, thiết thực với người bệnh.

Đó là nhận xét của GS-TS Nguyễn Xuân Nghiên, nguyên Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Khánh Lương về TS Vũ Duy Hải, 34 tuổi, Phó trưởng bộ môn Công nghệ điện tử và Kỹ thuật y sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội, tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu về thiết bị y tế đang được ứng dụng phổ biến tại các bệnh viện.

Những sản phẩm hữu ích

Không phải ngẫu nhiên mà người sáng lập ngành phục hồi chức năng Việt Nam, GS-TS Nguyễn Xuân Nghiên lại đưa ra những lời nhận xét sâu sắc về Hải với tâm trạng xúc động khi chúng tôi liên hệ xác minh về những công trình khoa học mà ông có dịp được phản biện và kiểm nghiệm qua thực tiễn. Trong con mắt của một chuyên gia đầu ngành về phục hồi chức năng, Vũ Duy Hải là nhà khoa học trẻ tài năng, tâm huyết và trách nhiệm với công việc.

Trong số những thiết bị do Hải và đồng nghiệp sáng chế, ông Nghiên đặc biệt tâm đắc với dòng máy điện xung, sử dụng dòng điện có dạng và cường độ khác nhau để điều trị phục hồi cho bệnh nhân sau phẫu thuật, người tai biến mạch máu não, xoa dịu cơn đau cơ, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh về xương khớp, cột sống... GS Nghiên cũng cho biết, thừa hưởng kết quả nghiên cứu từ các đề tài của Hải, Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai vẫn sử dụng thiết bị này để trị liệu miễn phí cho người bệnh. Các máy trị liệu này không thua kém sản phẩm nhập ngoại nhưng giá thành chỉ khoảng vài triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với giá thành mua máy của nước ngoài.

Ở tuyến T.Ư, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai là nơi được Vũ Duy Hải lựa chọn ứng dụng thiết bị theo dõi bệnh nhân đa thông số, theo dõi chỉ số sức khỏe của người bệnh như: điện tim đồ, huyết áp, bão hòa ô xy, nhịp thở, nhiệt độ cơ thể... Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, quyền Trưởng khoa Thận nhân tạo, máy theo dõi đa thông số là thiết bị không thể thiếu trong quá trình khám và điều trị, đặc biệt là ở các khoa, phòng hồi sức cấp cứu, hậu phẫu, thận nhân tạo... Máy dùng trong các bệnh viện ở các tuyến hiện tại được nhập khẩu từ nước ngoài với giá khoảng 10.000 - 20.000 USD. Qua 3 năm ứng dụng tại Bạch Mai, máy của nhóm nghiên cứu vẫn hoạt động ổn định và cho các thông số chính xác như máy nhập ngoại. Ở mức giá khoảng 40 triệu/máy, thiết bị này nếu được trang bị rộng rãi ở các bệnh viện tuyến dưới sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng triệu USD mỗi năm. Bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm, thiết bị lọc rửa quả lọc và dây dẫn máu được đưa vào ứng dụng tại Bệnh viện Bạch Mai trong năm vừa qua cũng là phát minh độc đáo của Vũ Duy Hải.

Chọn thử thách ở “miền đất” mới

Có mục tiêu rõ ràng, chế tạo thiết bị có ích, bảo vệ sức khỏe con người là điểm hấp dẫn, kích thích Hải dấn thân theo ngành điện tử y sinh này

Chuyên ngành điện tử y sinh được thành lập năm 1999 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Vũ Duy Hải là lứa sinh viên đầu tiên theo học chuyên ngành này. Nhận bằng đỏ ngành điện tử viễn thông năm 2002, Hải đứng trước nhiều cơ hội chọn việc làm. Khi ấy, ngành viễn thông đang ở thế thượng phong ứng dụng công nghệ vào các ngành dịch vụ di động, truyền hình, internet diễn ra sôi động. Sinh viên tốt nghiệp ngành này rất dễ kiếm việc làm với thu nhập cao. Chọn ở lại trường, Hải chật vật xoay xở với mức tiền lương hơn 1 triệu đồng vừa nghiên cứu vừa theo học cao học.

Hải cho rằng, những nội dung kỹ thuật được học tập tại ngành điện tử viễn thông và điện tử y sinh về cơ bản là giống nhau, nhưng những ứng dụng ở ngành viễn thông đã phát triển từ lâu, còn những ứng dụng điện tử trong nghiên cứu chế tạo sản phẩm y tế phục vụ điều trị bệnh cho con người là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Hải chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn, thất bại nhưng chọn đi tiên phong ở “miền đất” mới luôn có cơ hội khám phá, thể hiện. Có mục tiêu rõ ràng, chế tạo thiết bị có ích, bảo vệ sức khỏe con người là điểm hấp dẫn, kích thích Hải dấn thân theo ngành điện tử y sinh này. Chuyển sang ngành học mới, Hải được các thầy cô trong trường hướng dẫn tận tình, tạo điều kiện được tham gia hội thảo chuyên ngành, tham gia các đề tài nghiên cứu, cử đi thực tập tại các trường đại học ở nước ngoài có cùng chuyên ngành để nắm bắt kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật y sinh.

Hải cho rằng, để đưa kết quả của công trình nghiên cứu đến chế tạo sản phẩm thương mại là khó khăn lớn nhất hiện nay nhưng chưa phải là trở ngại khiến những người nghiên cứu y sinh như anh nao núng, chùn bước. Bởi không riêng gì ngành y sinh, thời gian chuyển từ đề tài nghiên cứu đến sản xuất sản phẩm thương mại là cả một lộ trình. Trong khi đó, thiết bị y sinh tích hợp công nghệ phức tạp tinh vi, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, hiện tại nền công nghiệp phụ trợ sản xuất trong nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, tiến tới đồng bộ chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất.

“Bên cạnh tạo ra cơ chế khuyến khích các trung tâm nghiên cứu tự thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để triển khai sản xuất, nhà nước cũng cần có chủ trương các cơ sở y tế tự chủ về kinh phí, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động thì sẽ khiến cơ sở y tế cân nhắc nhiều hơn trong đầu tư mua sắm thiết bị. Khi không còn chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, họ phải cân đối hài hòa giữa giá thành và hiệu quả của thiết bị thay vì chỉ quan tâm đến chất lượng, nhập thiết bị nước ngoài với giá cao ngất ngưởng như hiện nay. Đây sẽ là cơ hội khuyến khích nhiều nhà khoa học trẻ nghiên cứu các ứng dụng; thu hút doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất thiết bị y sinh bằng trí tuệ, công nghệ của người Việt Nam”, Hải hào hứng chia sẻ.