Bản in
Olympia dành cho SV đại học: Nhiều đề tài có khả năng ứng dụng cao
Từ gần 100 đề tài gửi đến chương trình “Olympia dành cho sinh viên ĐH”, Hội đồng khoa học đã chọn ra được 13 sản phẩm xứng đáng tiếp tục vào vòng trong. Phần lớn các đề tài dự thi đều có ý tưởng độc đáo và có khả năng ứng dụng rất lớn.

Gần 100 đề tài gửi về chương trình trình “Olympia dành cho sinh viên ĐH” đến từ 17 trường ĐH được đánh giá là “tốp trên”. Sở dĩ số trường tham gia không quá nhiều là do lĩnh vực cuộc thi chỉ liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật và kinh tế.

Đơn vị có số lượng đề tài dự thi nhiều nhất là ĐH Tôn Đức Thắng (10 đề tài), kế tiếp là ĐH Hàng Hải. Các trường được coi là cái nôi đào tào khoa học kỹ thuật như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội…cũng gửi các đề tài xuất sắc dự thi. Ở lĩnh vực kinh tế thì có sự xuất hiện của các trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương TPHCM.Với đặc thù là nghiên cứu khoa học, nên số lượng đề tài khoa học kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao hơn so với kinh tế.

Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao

Là thành viên Hội đồng khoa học, GS-TS Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa Điện tử Viễn thông - ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thành viên Hội đồng khoa học nhận xét: “Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên của các bạn sinh viên gửi về chương trình có tính thực tiễn và khả năng ứng dụng tốt, mục đích và ý nghĩa việc nghiên cứu của các công trình được xác định rõ ràng”.

“Điểm đáng mừng ở các đề tài đó là phương pháp nghiên cứu phù hợp với nội dung nghiên cứu, thể hiện ở chỗ nhiều công trình đã kết hợp tốt việc tính toán lý thiết với mô phỏng hoặc thực nghiệm và tự viết chương trình điều kiện thiết bị hoặc hệ thống. Có nhiều công trình đề xuất được giải pháp và kiến nghị mới, một số cho hiệu quả tốt so với các công trình, sản phẩm cùng chủ điểm có trên thị trường. Vài công trình có tính tiềm năng, cho phép mở rộng nghiên cứu, phát triển lên một bước cao hơn, có tính thực tiễn, ứng dụng rộng rãi hơn” - GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.

Một trong những đề tài được Hội đồng khoa học đánh giá cao đó chính là ý tưởng hệ thống bàn cảm ứng thông minh cho phép người dùng tương tác với máy tính trên bề mặt tương đối phẳng của nhóm sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Hệ thống sử dụng thiết bị hiển thị (máy chiếu, màn hình LCD, …), một camera và thiết bị cảm biến độ sâu kinect. Việc tách rời thiết bị hiển thị và thiết bị cảm biến giúp cho hệ thống có chi phí thấp hơn rất nhiều so với các loại bàn cảm ứng trên thị thường hiện nay.

Nhóm cũng cho biết, hệ thống bàn cảm ứng thông minh có thể ứng dụng dạy lịch sử cho học sinh tiểu học. Mỗi học sinh có thể tự kiểm tra trí nhớ bằng cách chọn bức ảnh của một địa danh nào đó rồi viết tên địa danh lên khung kết quả trên bàn cảm ứng. Bàn cảm ứng sẽ tự xác định địa danh bằng chức năng so khớp ảnh, sau đó sử dụng chức năng nhận diện chữ viết để kiểm tra kết quả của học sinh. Ngoài ra, học sinh có thể tìm hiểu những hình ảnh hay phim ảnh về địa danh đó ngay trên bàn cảm ứng.

Với đề tài này, PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Đây là một trong những báo cáo được trình bày mạch lạc. Nội dung thể hiện được bài toán đặt ra và hướng giải quyết. Kết quả nghiên cứu này có tiềm năng ứng dụng tốt”

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có hơn 2,2 triệu sinh viên ĐH-CĐ, tuy nhiên số lượng SV tham gia nghiên cứu khoa học còn quá ít và kết quả đạt được về cơ bản còn hạn chế.

Với góc độ cá nhân, PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn cũng rất tâm huyết với đề tài Thiết kế hệ thống bãi giữ xe bằng thẻ sinh viên, vì theo người phản biện công trình này, sản phẩm hội đủ nhiều yếu tố, đáp ứng yêu cầu khắt khe của điều lệ cuộc thi đề ra. Nhờ vào khả năng ứng dụng thực tiễn và tính cấp thiết cao, đề tài này đã kết hợp được nhiều ứng dụng. Ví dụ, việc xử lý ảnh từ camera, thiết lập cơ sở dữ liệu, đọc mã vạch, thiết kế phần cứng,…,có quá trình thực nghiệm rõ ràng, có đánh giá hiệu quả công trình, có so sánh đánh giá với các hệ thống cùng chủ điểm đang sử dụng trên địa bàn. Đề tài này có một hạn chế nhỏ đó là thời gian nhận dạng biển số và các thông tin khác còn chậm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố về ánh sáng, góc nhìn từ camera đến biển số, điều này chưa được nghiên cứu và đánh giá cụ thể.

Ở lĩnh vực khối ngành Kinh tế, Hội đồng khoa học đánh giá các đề tài tham gia có tính giá trị thực tiễn và tính khả thi cao. Các đề tài ở lĩnh vực này đều được sinh viên điều tra và khảo sát khá phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng khoa học, PGS-TS Trương Đình Chiến - Trưởng khoa Marketing - ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: "Điểm mạnh của các đề tài là tính thực tiễn và khả năng ứng dụng tốt vào cuộc sống. Mục đích và ý nghĩa của các công trình nghiên cứu cũng được các bạn sinh viên xác định rất rõ ràng. Phương pháp phù hợp với nội dung nghiên cứu, có nhiều công trình đã kết hợp tốt việc tính toán lý thuyết với mô phỏng hoặc thực nghiệm và tự viết chương trình điều khiển thiết bị hoặc hệ thống”.

Vẫn còn những yếu điểm cần khắc phục

Qua các bài dự thi gửi về chương trình “Olympia dành cho sinh viên ĐH”, Hội đồng khoa học cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngoài ý tưởng và tính thực tế thì vẫn có một vài công trình chưa có điều kiện thử nghiệm thực tế; tuy có ý nghĩa khoa học nhưng mới chỉ dừng lại ở mô phỏng hoặc so sánh đánh giá một cách lý thuyết, cần thêm thời gian và kinh phí mới hoàn thành thực nghiệm được. Một vài công trình trình bày chưa tuân thủ qui định của điều lệ cuộc thi, kết cấu, bố cục của đề tài chưa được chặt chẽ. Ngoài ra, văn phong trong vài công trình chưa súc tích, trôi chảy , mắc lỗi chính tả, lỗi trình bày hoặc tài liệu tham khảo không được trình bày đúng theo chuẩn.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ, việc sinh viên vẫn còn yếu kém trong việc nghiên cứu khoa học hoặc mắc các lỗi sơ đẳng không phải là điều hiếm gặp. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là việc thiếu môi trường nghiên cứu khoa học. Với chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay, sinh viên phải miệt mài lên lớp nghe giảng (chép bài), ôn bài, làm bài kiểm tra, bài thi, khóa luận. Với cách đánh giá chủ yếu dựa vào kết quả thi kết thúc môn học, đương nhiên họ phải giành toàn lực cho các môn học để có được kết quả học tập tốt.

Một nguyên nhân khác là việc chưa có nhiều kết nối giữa môi trường nghiên cứu với các doanh nghiệp, chưa có sự liên hệ chặt chẽ giữa các nhà nghiên sinh viên với các doanh nghiệp cần ứng dụng khoa học. Điều này không những làm cho công trình khoa học của sinh viên không đến được với ứng dụng mà còn mất đi một nguồn đầu tư lớn cho NCKH. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nghèo nàn cũng hạn chế khả năng nghiên cứu của sinh viên rất nhiều. Một khi các phòng thí nghiệm còn lạc hậu, các công trình khoa học của sinh viên vẫn còn có khoảng cách xa với ứng dụng thực tiễn.

Trước khi tổ chức chương trình “Olympia dành cho sinh viên ĐH”, Ban tổ chức đã khẳng định, nghiên cứu khoa học là hoạt động trí tuệ giúp SV vận dụng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu khoa học từ lý thuyết vào thực tiễn. Vì vậy nhu cầu có một sân chơi nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để SV tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới nhất là rất cần thiết và cấp bách.

Tuy nhiên, để sân chơi này thực sự có ý nghĩa và thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của giới sinh viên, vẫn cần có các biện pháp khuyến khích nhiều hơn nữa. Cần tạo hành lang để cho những sinh viên có quá trình tham gia nghiên cứu khoa học, có công trình có ý nghĩa để khuyến khích họ đăng bài trên các tạp chí khoa học. Nếu công trình của sinh viên được đánh giá tốt, các em có thể được xem xét đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

13 đề tài sẽ tham dự vòng Bán kết dự kiến diễn ra vào 12/1/2013 và 19/1/2013 tại Hà Nội và TP.HCM để chọn ra 6 đề tài xuất sắc nhất dự vòng Chung kết vào tháng 4/2013.