|
|||
Trong kỳ tuyển sinh NCS năm 2010, trường có 60 NCS được công nhận và chỉ có duy nhất một người 29 tuổi là trẻ nhất. Trong số 58 NCS được công nhận năm 2011, người trẻ nhất là 27 tuổi và các NCS còn lại phần lớn có độ tuổi 35-50. Còn năm nay, trong 79 NCS có đến 16 NCS có độ tuổi 24-32. Dự tuyển sau khi có giấy tốt nghiệp ĐH tạm thời
Đặc biệt, trong số NCS của Trường ĐH Y dược TP.HCM được công nhận năm nay có dược sĩ Ngô Triều Dủ sinh năm 1988, NCS ngành hóa dược. Ngô Triều Dủ trở thành NCS trẻ nhất khóa 2012 và là một trong những NCS khối y dược trẻ nhất của trường từ trước đến nay. Ngô Triều Dủ là sinh viên khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM khóa 2006-2011. Năm ngoái, Dủ tốt nghiệp ĐH với điểm trung bình toàn khóa 8,29 xếp loại giỏi. Với kết quả đó, cùng với chứng chỉ ngoại ngữ toefl 547 điểm trong tay, Dủ nộp hồ sơ dự tuyển NCS ngay khi mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp ĐH tạm thời. Bên cạnh đó, Ngô Triều Dủ còn có hai bài báo đăng trên tạp chí y học của ĐH Y dược TP.HCM. Trong thư giới thiệu thí sinh dự tuyển NCS, Ngô Triều Dủ được PGS.TS Phạm Đình Luyến và TS Trần Thành Đạo (ĐH Y dược TP.HCM) đánh giá: “Thí sinh có năng lực hoạt động chuyên môn cao, đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khả năng tư duy sáng tạo”. Trong khi đó, bác sĩ Trà Anh Duy sinh năm 1984 (hiện công tác tại Bệnh viện Bình Dân) là NCS y khoa trẻ nhất năm nay tại trường. Anh Duy tốt nghiệp bác sĩ loại khá năm 2007 và tiếp tục học bác sĩ nội trú khóa 2007-2010. Đề tài luận văn “Vai trò của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị sỏi niệu quản đoạn lưng” của Anh Duy đạt 9 điểm. Sau đó Anh Duy tốt nghiệp bác sĩ nội trú với kết quả 8,22 điểm, xếp loại giỏi. Trong quá trình công tác, Anh Duy đã tích cực nghiên cứu và là đồng tác giả của hai bài báo khoa học đăng trên tạp chí Y Học TP.HCM. PGS Nguyễn Tuấn Vinh (Bệnh viện Bình Dân) nhận xét: “Bác sĩ Trà Anh Duy có khả năng chuyên môn vững vàng và nghiên cứu khoa học bài bản”. Đầu vào đã phù hợp hơn TS Hoàng Tiến Mỹ - trưởng phòng sau ĐH nhà trường - cho biết điều kiện tuyển sinh NCS hiện đã bớt khắt khe và phù hợp hơn trước. Bộ GD-ĐT cho phép thủ trưởng cơ sở đào tạo được quyền quy định khá nhiều điều kiện dự tuyển của NCS và chỉ tiêu tuyển sinh cũng cao hơn trước. Theo quy chế cũ muốn dự thi NCS, sinh viên phải tốt nghiệp ĐH hệ chính quy đúng ngành, loại khá và có ít nhất ba bài báo công bố trên các tạp chí khoa học trước khi nộp hồ sơ dự thi, nhưng điều kiện này hiện không còn nữa. “Trước đây muốn trở thành NCS buộc phải thi tuyển, nhưng nay chỉ xét tuyển. Yêu cầu về kinh nghiệm, thâm niên công tác không còn đặt nặng. Chính điều kiện về các bài báo khoa học là yêu cầu khó mà sinh viên không đáp ứng được. Thông tư của Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ không còn đòi hỏi bài báo nghiên cứu khoa học. Đối tượng dự tuyển đào tạo trình độ TS được mở rộng và chỉ tiêu đầu vào nhiều hơn. Chính điều này đã tạo ra nhiều cơ hội học tập nghiên cứu cho sinh viên y dược trẻ” - TS Mỹ cho biết. Còn PGS.TS Châu Ngọc Hoa - phó hiệu trưởng nhà trường - cho rằng những sửa đổi trong Quy chế đào tạo trình độ TS hiện nay của Bộ GD-ĐT đã hợp lý hơn trước, điều kiện bài báo hiện không còn là “quy định cứng” đối với thí sinh dự tuyển NCS, nhưng vẫn là tiêu chí quan trọng trong xét tuyển của nhà trường. Vì vậy, những thí sinh có bài báo khoa học vẫn có nhiều lợi thế hơn. “Sinh viên y có điểm tổng kết loại khá giỏi được làm tiểu luận tốt nghiệp, đây là cơ hội để sinh viên cọ xát, bắt đầu tiếp cận nghiên cứu khoa học sau này... Đồng thời trong quá trình học phải tích cực tham gia phụ thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu”- PGS Hoa chia sẻ. Tự tìm hướng nghiên cứu khi còn là sinh viên Trong khi đó, bác sĩ Lê Khắc Bảo, hiện là NCS khoa nội khóa 2008 Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng cơ hội học tập cho người trẻ hiện có rất nhiều từ nhà trường, bệnh viện, các đối tác trong hợp tác quốc tế của nhà trường... vấn đề là phải biết cách tiếp cận cơ hội đó. Muốn nắm bắt cơ hội này đòi hỏi sinh viên y khoa không chỉ học giỏi mà phải có ngoại ngữ giỏi và kỹ năng giao tiếp tốt. Bác sĩ Bảo chia sẻ: “Trở thành NCS lĩnh vực y khoa khi ở độ tuổi trẻ sẽ có nhiều thuận lợi, với sức trẻ có thể chịu được nhiều áp lực khó khăn trong quá trình nghiên cứu, không nản chí khi thất bại. Người trẻ cũng năng động hơn trong việc tìm kiếm thông tin phục vụ quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên do chưa có trải nghiệm thực tế cũng là một trở ngại cho các NCS trẻ”. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, NCS khóa 2012, cho rằng muốn trở thành NCS, ngoài kiến thức chuyên môn sinh viên cần phải có khả năng nghiên cứu. Trước đây sinh viên y khoa chưa được trang bị nhiều về kỹ năng nghiên cứu. Hiện nay chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy được đổi mới giúp sinh viên tự tin tham gia nghiên cứu khoa học. Chương trình học của sinh viên y khoa khá nặng. Sinh viên y gần như phải thi liên tục ở trường, bệnh viện... rất căng thẳng. Để trở thành NCS phải nỗ lực trau dồi ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu bằng cách phụ giúp các thầy cô làm nghiên cứu từ đó tự đưa ra ý tưởng, đề tài nghiên cứu cho riêng mình. “Từ năm 3, 4 sinh viên y khoa đã có thể tự tìm ý tưởng và hình thành đề cương nghiên cứu. Nếu thực hiện sớm các bạn sẽ có nhiều thuận lợi cho quá trình nghiên cứu sau này. Tuy nhiên không phải sinh viên y khoa nào cũng phù hợp để trở thành NCS. Muốn trở thành TS y khoa đòi hỏi phải say mê nghiên cứu và chịu khó” - bác sĩ Hải nói.
|