|
|||
Ðó là việc khởi công xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vào ngày 19-9-2012. Ðến năm 2020, khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là một Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu ở khu vực Ðông - Nam Á, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước... Với vốn đầu tư 54,4 tỷ yên từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Nhật Bản và vốn đối ứng Việt Nam (1.774 tỷ đồng), trong nắng hanh vàng của trời thu Hà Nội, trước sự có mặt của các quan chức Chính phủ cùng sự hiện diện của các tổ chức hàng không vũ trụ quốc tế như JAXA, NASA... Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam đã được khởi công xây dựng. Mới nghe cái tên không ít người tưởng đây là một trung tâm đào tạo, huấn luyện các nhà du hành vũ trụ và là nơi cất, hạ cánh của các tàu vũ trụ sau mỗi chuyến bay. Chuyện đó quả là còn xa lắc với chúng ta, song nơi đây trong tương lai gần với sự hỗ trợ của Nhật Bản và các tổ chức hàng không vũ trụ quốc tế, từ tiếp nhận chuyển giao công nghệ chúng ta sẽ tự thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Bằng công nghệ ra-đa hiện đại, chúng ta có thể quan sát và chụp ảnh núi, rừng, sông, biển và mọi cảnh quan của Tổ quốc thân yêu trong mọi điều kiện thời tiết. Phục vụ thiết thực công tác giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường. Cũng như nghiên cứu, tìm biện pháp ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, mà nước ta là một trong ít quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bấy nhiêu công việc cũng đủ thấy nặng nề và phức tạp, khi ngành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ (CNVT) ở ta còn non trẻ. Thật ra, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng CNVT đã được đặt nền móng cách đây hơn 30 năm, kể từ chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô (trước đây) Go-rơ-bát-cô vào hạ tuần tháng 7-1980. Tuy nhiên vì nhiều lý do, một thời gian dài chúng ta quên lãng, và khoảng mười năm trở lại đây, nhất là sau khi có Quyết định số 137/2006/QÐ-TTg (ngày 14-6-2006) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020", mới được đầu tư một cách bài bản. GS, TSKH Nguyễn Khoa Sơn, Chủ nhiệm chương trình CNVT (Viện KH và CN Việt Nam) chia sẻ: Các nước phát triển như Nga, Mỹ... người ta đã đưa người lên mặt trăng, đi bộ trong khoảng không mà chẳng cần dây nối. Trung Quốc cũng đã có bước tiến dài trong công cuộc chinh phục vũ trụ với việc phóng tàu Thần Châu 5 có người lái vào ngày 15-10-2003. Việt Nam chưa đủ tiềm lực và khả năng làm nên điều kỳ diệu ấy. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu từ những công nghệ đơn giản hơn nhưng phục vụ thiết thực cuộc sống con người. Công nghệ đơn giản mà GS Nguyễn Khoa Sơn nói là quả vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất, loại thiết bị bay trên không trung nhưng có thể chụp ảnh, giúp chúng ta phòng ngừa thảm họa thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh - quốc phòng. Nhu cầu sử dụng ảnh viễn thám đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước là rất lớn nhưng lâu nay ta còn phải mua ảnh của nước ngoài, hằng năm tiêu tốn không ít ngoại tệ, lại luôn ở trạng thái bị động. Nền khoa học và công nghệ còn thấp kém, chưa đủ sức làm thì phải dựa vào con đường hợp tác quốc tế. Trước mắt, từ thiết kế, chế tạo cho đến phóng vệ tinh quan sát Trái đất, chúng ta đều phải hợp đồng "đặt hàng" các quốc gia phát triển; đồng thời hy vọng mười năm nữa chúng ta có thể tự làm. Theo lộ trình này, với sự hợp tác với Cộng hòa Pháp, giữa năm 2013, Việt Nam sẽ có vệ tinh nhỏ (trọng lượng khoảng 150 kg) quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (Dự án VNRED Sat—1). Tương tự nhờ sự hỗ trợ của Bỉ, dự kiến đến cuối năm 2017, chúng ta sẽ có thêm vệ tinh nhỏ thứ hai (VNRED Sat—1B). Ðây là hai vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có thể chụp ảnh ở độ cao hơn 600 km, trong điều kiện thời tiết thuận lợi; với các mức độ phân giải khác nhau ở bốn kênh đa phổ và kênh toàn sắc. Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp, nhưng lại đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai và nguy cơ nước biển dâng do tình trạng biến đổi khí hậu đang hiện hữu. Nên chỉ việc xây dựng Trung tâm vũ trụ tại Hòa Lạc, mà mục tiêu vươn tới năm 2020, chúng ta có thêm hai quả vệ tinh nhỏ (khoảng 500 - 600kg/quả), sử dụng công nghệ ra-đa cảm biến hiện đại và chụp ảnh trong bất cứ điều kiện thời tiết nào. Ðể có một trung tâm vũ trụ hiện đại trong khu vực, dĩ nhiên phải tiến hành đồng bộ nhiều việc, từ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, đến tiếp nhận chuyển giao công nghệ, và công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trò chuyện với chúng tôi, GS Nguyễn Khoa Sơn, cũng như các PGS Doãn Minh Chung (Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ), Phạm Anh Tuấn (Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia) đều cho rằng, một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Bởi lẽ sau nhiều năm "lãng quên", đội ngũ cán bộ chuyên ngành CNVT của ta hiện đang trong tình trạng thiếu trầm trọng và chắp vá; trong đó, số người làm về công nghệ vệ tinh càng như "lá mùa thu". Từ thực tế đó, Viện KH và CN Việt Nam phối hợp một số ít cơ sở đào tạo trong nước, mặt khác thông qua các dự án gửi người đi học tập ở nước ngoài (và mời chuyên gia quốc tế đến giảng dạy trong nước). Không kể 15 cán bộ được cử sang Pháp đào tạo trong khoảng thời gian từ một năm đến 16 tháng (10 người đã về nước), số còn lại cũng sắp kết thúc, để chuẩn bị tiếp nhận, vận hành và khai thác ứng dụng dữ liệu ảnh viễn thám, khi vệ tinh VNRED Sat—1 được phóng lên vào giữa năm 2013. Từ nay đến 2015, Viện KH và CN Việt Nam có kế hoạch tuyển chọn hàng trăm người đưa sang Bỉ (khi triển khai dự án VNRED Sat—1B) và đến Nhật Bản dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý, công nghệ chế tạo vệ tinh, khai thác và sử dụng ảnh viễn thám... để chuẩn bị cho Trung tâm vũ trụ Việt Nam trong tương lai. Theo PGS Phạm Anh Tuấn, đến năm 2020, khi Trung tâm vũ trụ Việt Nam hoàn tất và đi vào hoạt động sẽ có khoảng 350 chuyên gia, kỹ sư công nghệ cao đủ các chuyên ngành làm việc tại Trung tâm hiện đại này. Có được một đội ngũ cán bộ khoa học như vậy, hy vọng chúng ta sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu của CNVT. Không chỉ tự điều khiển các vệ tinh quan sát trái đất của chính mình, mà hơn hết chúng ta chủ động nguồn ảnh viễn thám nhằm phục vụ một cách kịp thời cho hoạt động ngăn ngừa và giảm bớt những thiệt hại to lớn do thảm họa thiên tai (bão lụt, động đất, sóng thần, cháy rừng, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường...), cũng như công tác quy hoạch đất đai; bảo đảm chủ quyền an ninh biên giới và hải đảo của Tổ quốc thân yêu. |