Lựa chọn giải pháp công nghệ
Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được vinh dự đón tiếp nhiều đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các đoàn khách quốc tế và hàng triệu lượt đồng bào trong và ngoài nước đến thăm viếng, đặc biệt là trong những ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Do vậy, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đang có nhu cầu cấp thiết về xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn các di tích lịch sử và rừng quốc gia Đền Hùng, tiến tới phát triển thành một hệ thống hỗ trợ ra quyết định (Decision Support System) để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong tình hình mới hiện nay.
Tích hợp dữ liệu từ các nguồn thông tin đa định dạng được tổ chức trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau, không có sự đồng nhất... vốn là một thách thức đối với công tác quản trị hệ thống thông tin nói chung và hệ thống thông tin quản lý, hỗ trợ ra quyết định nói riêng. Trước đây, thị trường phần mềm và giải pháp tích hợp dữ liệu được phát triển một cách tách biệt. Hiện nay, do luôn có sự hội tụ của các công nghệ cho nên đã có nhiều giải pháp công nghệ tích hợp đa dữ liệu trên nền tảng công nghệ web.
“Qua nghiên cứu, tham khảo các tính năng kỹ thuật của các công nghệ tích hợp đa dữ liệu hiện nay trên thế giới, chúng tôi đã lựa chọn giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tích hợp đa dữ liệu cho hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng là sử dụng kết hợp công nghệ MySQL Server và Mapserver dựa trên nền tảng phần mềm mã nguồn mở (PMNM) trong môi trường hệ điều hành windows, dựa trên công nghệ web”, KS. Phan Anh Tân chia sẻ.
Theo đó, các đối tượng của CSDL đa phương tiện được quản trị trong môi trường hệ thống MySQL Server sẽ tích hợp với các đối tượng của CSDL bản đồ được quản trị trong môi trường hệ thống Mapserver thông qua chỉ số liên kết duy nhất. Các dữ liệu của CSDL đa phương tiện trong hệ thống MySQL Server có thể sẽ trở thành những thông tin thuộc tính của các đối tượng bản đồ trong CSDL bản đồ số trong hệ thống Mapserver. Do vậy, khi truy nhập vào các đối tượng bản đồ thì đồng thời sẽ được cung cấp luôn các thông tin thuộc tính từ CSDL đa phương tiện và ngược lại. Đây là một giải pháp công nghệ tích hợp đa dữ liệu tối ưu nhất trên nền tảng các công nghệ sẵn có.
Bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Căn cứ nhu cầu sử dụng thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ ra quyết định của Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay và trong thời gian tới, tác giả đã đề xuất mô hình tổng thể của hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng như sau:
Mô hình tổng thể hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích Đền Hùng
Theo mô hình trên, hệ thống máy chủ tại Trung tâm quản lý điều hành sẽ là nơi tích hợp các CSDL và được kết nối mạng nội bộ (LAN) tới các máy tính của nhóm giám sát và nhóm khai thác để tác nghiệp điều hành hàng ngày. Hệ thống máy chủ này cũng được kết nối với các địa điểm giám sát về giao thông, an ninh và môi trường để thu thập các dữ liệu về hình ảnh, video và các thông số về môi trường tại các điểm giám sát, đồng thời điều khiển hiển thị thông tin trên các bảng điện tử thông qua môi trường mạng Internet.
Căn cứ mô hình tổng thể của hệ thống thông tin nêu trên, tác giả đã phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng xây dựng các phần mềm ứng dụng trên nền web và tích hợp các thông tin cho hệ thống CSDL theo giải pháp công nghệ đã lựa chọn nêu trên.
Tác giả đã thu thập và xây dựng được các CSDL. Cụ thể gồm: Dữ liệu chi tiết về điều hành giao thông, đảm bảo an ninh và bảo vệ môi trường của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Dữ liệu bản đồ số của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Dữ liệu về vật thể và phi vật thể của Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Phần mềm quản trị hệ thống thông tin này đã được cài đặt, vận hành tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Sau khi tổ chức đào tạo hướng dẫn sử dụng các chức năng của phần mềm để cập nhật dữ liệu, khai thác thông tin từ các CSDL đã xây dựng, chuyển giao công nghệ thiết kế kịch bản hiển thị thông tin đến các bảng điện tử tấm lớn và thiết kế các kịch bản hỗ trợ ra quyết định, các cán bộ của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã có thể tự vận hành và duy trì hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã xây dựng.
Hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công cụ phát triển phần mềm trên nền web và dựa trên PMNM; CSDL tích hợp được quản lý, lưu trữ trên cơ sở hệ quản trị dữ liệu MySQL Server và Mapserver có hệ thống bảo mật thông tin cao. Hệ thống được thiết kế và xây dựng dựa trên các công cụ phát triển PMNM, miễn phí bản quyền, có tính mở và tương thích cao, rất phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay trên thế giới.
Hệ thống thông tin này đã cung cấp cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng một công cụ hiện đại hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ an toàn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử, các dữ liệu vật thể và phí vật thể,... của đơn vị mình nhưng vẫn có thể trao đổi, chia sẻ thông tin với các đơn vị khác khi cần thiết trên nền tảng ứng dụng CNTT.
KS. Phan Anh Tân cho biết, qua việc chạy thử nghiệm đã chứng tỏ hệ thống thông tin này hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng thông tin của Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, để xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo, bảo vệ an toàn Khu di tích lịch sử Đền Hùng theo đúng các yêu cầu của một hệ thống DSS hiện đại thì cần phải đầu tư thực hiện qua nhiều giai đoạn với các chức năng và quy mô khác nhau theo nhu cầu sử dụng.
Bài, ảnh: Mai Chi
|