Bản in
Phát triển công nghệ tiên tiến trong điều trị y học
Các kết quả mới nhất về ứng dụng kỹ thuật ít xâm lấn để chẩn đoán, điều trị các bệnh lý như: Thần kinh, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, chấn thương, nhãn khoa, da liễu, nội tiết, châm cứu,…là những nội dung được công bố tại hội thảo quốc gia với chủ đề “Ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ chuẩn đoán, điều trị bằng các kỹ thuật ít xâm lấn” vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế, Học viện Quân y, Bệnh viện 103 cùng phối hợp tổ chức vào ngày 27/12 tại Hà Nội.

Theo Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11 -15 GS.TS Phạm Gia Khánh, hơn 30 năm qua cùng với sự phát triển của KH&CN và nhiều thiết bị máy móc y học hiện đại đã làm thay đổi một số nguyên tắc, quan điểm cơ bản trong chẩn đoán và điều trị. Để có được những tiến bộ trên, một phần nhờ vào các kỹ thuật ít xâm lấn, tiêu biểu cho các kỹ thuật này là kỹ thuật can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi và nội soi can thiệp. Mặc dù Việt Nam đi sau thế giới khoảng 20 năm về lĩnh vực này, tuy nhiên, Việt Nam đã tiếp cận được với trình độ của thế giới thậm chí một số trình độ kỹ thuật còn đạt được ngang bằng với các nước tiên tiến như: can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi trong ổ bụng,…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, mục tiêu của Chương trình là ứng dụng và phát triển các kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều đề tài đã nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới vào Việt Nam. Đặc biệt từ năm 2011 đến 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt 16 đề tài về phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ngang hàng với các nước tiên tiến như: ghép tạng; kỹ thuật can thiệp mạch; nội soi,… Điều này đã giúp KH&CN về Y dược Việt Nam không tụt hậu, có thể theo kịp với trình độ các nước trong khu vực và thế giới.

Kỹ thuật can thiệp mạch phát triển rất mạnh ở các nước tiên tiến trên thế giới, sau gần 15 năm được đưa vào Việt Nam, tuy nhiên, điều này thực sự  phát triển mạnh trong 5 năm gần đây bởi các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực Chương trình KC 10. Trước đây, một số bệnh lí của cơ quan này chưa được điều trị bằng kỹ thuật trên thì đến nay hầu hết các kỹ thuật can thiệp mạch trên thế giới đều được áp dụng trong nước, kể cả kỹ thuật đặt stent nối thông giữa hệ thống cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch để điều trị bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Thứ trưởng khẳng định, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc chỉ đạo, hỗ trợ các cơ quan chủ trì nhằm phát triển một số mũi nhọn về kỹ thuật công nghệ trong chẩn đoán và điều trị cũng như phát triển các sản phẩm y dược công nghệ cao với mục đích chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp