Nhằm giải quyết phần nào những khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của ngành hoa Việt Nam, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã phê duyệt dự án trao đổi kỹ thuật giữa các chuyên gia của FAO với chuyên gia Việt Nam về sản xuất, bảo quản, phát triển thị trường về hoa. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức thực hiện.
Nhóm thực hiện dự án đã chọn Đà Lạt – Lâm Đồng, phía Bắc – Hà Nội và Sa Pa – Lào Cai làm địa điểm triển khai với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực của FAO,…
Sau 2 năm thực hiện (2010 – 2012), nhóm dự án đã đạt được một số kết quả rất khả quan. Dự án đã tổ chức hội thảo khởi động tại TP. Đà Lạt. Đây là hội thảo có qui mô lớn nhất tính đến thời điểm tổ chức trở về trước với sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia. Dự án đã xuất bản 500 cuốn sách “Kỹ thuật sản xuất một số loại hoa” và cuốn sách này đã được tái bản lần 1; xây dựng 7 quy trình kỹ thuật bằng DVD về kỹ thuật sản xuất 5 loại hoa chính, bảo vệ thực vật và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch.
Nhóm dự án đi thăm mô hình hoa tại Tây Tựu – Từ Liêm – Hà Nội
Đặc biệt, dự án đã hoàn thành xuất sắc yêu cầu của dự án khi đã tập huấn kỹ thuật cho 740 nông dân. Các khóa đào tạo đã trang bị cho học viên những kiến thức tiên tiến về sản xuất, nhân giống, phòng trừ sâu bệnh hại hoa cũng như kỹ thuật quản lý sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức khảo sát quốc gia về công nghệ sau thu hoạch và marketing giúp cho doanh nghiệp cũng như người nông dân có cái nhìn mới về những vấn đề đang được cho là còn yếu của ngành hoa Việt Nam.
Ông Vũ Ngọc Tiến – Đại diện Tổ chức FAO khẳng định, dự án đã hoàn thành các nội dung chính đề ra, quá trình triển khai dự án tuy quy mô không lớn nhưng đã có tác động nhất định đến ngành hoa Việt Nam. Ngành hoa Việt Nam đã có sự tiếp cận với công nghệ thế giới thông qua trao đổi và hướng dẫn kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch và tiếp cận thị trường thế giới.
Tin, ảnh: Phương Hoàn
|