Bản in
Khoa học trên “đôi vai” những người trẻ
Câu chuyện của Ngô Nhật Thái, của Phan Đăng Hưng… không chỉ khiến tôi thích thú về những ý tưởng độc đáo mà còn thầm khâm phục về nỗ lực của các bạn trẻ trên chặng đường “khó nhằn” mang tên khoa học. Bằng chính những nỗ lực đó, họ đã góp sức mình tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu “made in Việt Nam” ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Từ một ý tưởng tưởng chừng như “vu vơ”: Một người bạn mất một số bộ phận ở xe máy sau khi gửi xe ở bãi giữ xe, một sinh viên Khoa công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM đã mày mò lập trình phần mềm chống trộm cắp xe máy thông qua điện thoại di động. Không ngờ, ý tưởng này sau đó, đã đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo S-Ideas” của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và đoạt giải cuộc thi “Ý tưởng sinh viên sáng tạo trẻ” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Rồi tiếp tục được phát triển thành luận văn tốt nghiệp được hội đồng Tổ chức các trường Đại học nói tiếng Pháp châu Á - Thái Bình Dương (AUF) đánh giá cao, đạt số điểm 9,5.

Chưa dừng lại, để dự án của mình được đưa vào thực tế, tác giả cùng với những người bạn khác của mình đã tìm mọi cách huy động vốn để mở công ty, hoàn thiện sản phẩm và chính thức tung ra thị trường. Hiện tên chính thức của sản phẩm là “Thiết bị cảnh báo trộm và định vị xe gắn máy thông qua điện thoại di động S-Bike”. Sản phẩm cũng được vinh danh trong đêm trao giải thưởng Nhân tài đất Việt 2012.

Đó là câu chuyện ra đời của Công ty CP giải pháp Setech Viet do bốn bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học được 1 năm sáng lập. Bạn Ngô Nhật Thái, một thành viên trong nhóm chia sẻ, từ ý tưởng cho đến lúc ra đời sản phẩm cũng đã gần 3 năm. Từ khi, chúng em còn là sinh viên năm 3, đến tháng 7/2011 ra sản phẩm đầu tiên nhưng còn thô, to và độ chính xác chưa cao, chưa được kiểm định chất lượng, cho đến khoảng tháng 4/2012, sản phẩm mới chính thức tung ra thị trường. Hiện nay sản phẩm có các chức năng chính như: xác định vị trí xe, giữ an toàn... Khi muốn biết vị trí xe, người sử dụng sẽ gửi tin nhắn vào thiết bị gắn trong xe. Thiết bị tự nhắn tin trả lời thông báo nơi xe đang hiện diện. Khi có người mở khóa xe bằng chìa không đúng hoặc bẻ khóa thì xe sẽ rú còi inh ỏi (bán kính xa 100m). Đồng thời, thiết bị lập tức sẽ gọi điện vào điện thoại của người sử dụng báo hiệu và làm cho xe vô hiệu hóa hoàn toàn, tự động tắt nguồn điện, ngắt máy, chỉ có thể dắt bộ.

Theo chia sẻ của Thái, sản phẩm được sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Đầu tiên, nhóm chỉ tung ra 50 sản phẩm để cho những người quen biết và mong muốn thực sự sử dụng để có đánh giá thực tế. Sau 50 sản phẩm, tiếp tục tung ra 100 sản phẩm… và hiện nay đã có gần 1.400 xe máy trên TP.HCM đã lắp đặt thiết bị. “Người dân rất thích thú với sản phẩm này, nhưng tụi em mới ra trường nên còn gặp khó khăn về nguồn vốn, lại là dân kỹ thuật chưa có kinh nghiệm kinh doanh, sản phẩm thì mới nên không dám tung ra ồ ạt, mà chỉ mới tung ra từ từ để thăm dò thị trường. Sắp tới, song song với việc đưa sản phẩm ra thị trường, chúng em vẫn tiếp tục phát triển dòng sản phẩm này sao cho nó nhỏ gọn, định vị được chính xác, giá thành rẻ hơn và ứng dụng được trên cả các phương tiện ôtô” - Ngô Nhật Thái thành thật chia sẻ.

Một nhóm nghiên cứu khác có 7 thành viên đến từ Công ty TNHH giải pháp sáng tạo & nghiên cứu tiên tiến iSolar cũng gồm những người có tuổi đời còn rất trẻ (5 người sinh năm 1989, 2 người sinh năm 1991) nhưng họ đã tạo ra một Hệ thống biến báo điện tử thành báo nói - ViNAS với mong muốn khẳng định "những gì thế giới làm việc thì người Việt Nam cũng làm được". Hệ thống đã giành được giải nhì hạng mục nhóm sản phẩm CNTT triển vọng tại vòng chung kết cuộc thi "Nhân tài đất Việt".

Chỉ trong khoảng 6 tháng nghiên cứu, bắt đầu từ tháng 4/2012 đến tháng 9/2012, sản phẩm đã hoàn thiện phiên bản đầu tiên. Nhưng theo chia sẻ của nhóm phó Phan Đăng Hưng, trong quá trình nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, chủ yếu trong việc nâng cao chất lượng của các chức năng phục vụ người dùng. Nhóm đều còn rất trẻ, vừa làm vừa học, hơn nữa hệ thống này tự thiết kế và cài đặt ra nên nhiều lúc không biết là mình đã làm đúng chưa, đã phục vụ đúng chưa, đôi khi phải làm đi làm lại rất nhiều lần...

Hiện tại hệ thống đã xây dựng phiên bản thử nghiệm trên PC và mobile và đã xây được bản chạy trên nền Window 8. Người dùng đã có những đánh giá tích cực về sản phẩm, đặc biệt rất hữu ích đối với người khiếm thị và những có thói quen nghe tin tức. Do đó, nhóm nhận thấy khả năng ứng dụng của ViNAS là có khả thi, tuy nhiên để sản phẩm có thể thương mại hóa cạnh tranh được với các đối thủ khác, cần có một lực lượng nhân sự và đầu tư lớn. “Nhóm mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp và các đơn vị làm báo điện tử để có thể phát triển miễn phí tiện ích này cho nhu cầu của người dùng”, nhóm phó Phan Đăng Hưng bày tỏ.

Trò chuyện với Hưng, với Thái và cũng từng trò chuyện với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam làm nghiên cứu khoa học, tôi đều nhìn thấy ở họ một cá tính mạnh mẽ và quyết tâm theo đuổi những điều họ mong muốn. Họ luôn nghĩ mới, làm mới, dám nghĩ dám làm. “Thanh niên là tương lai của đất nước” và tôi tin bằng niềm say mê, sức sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ đó, họ sẽ tạo ra những dấu ấn mới cho quê hương Việt Nam…/.