|
|||
Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Long An chia sẻ trong niềm hứng khởi, vụ lúa hè thu năm 2012, Long An ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng trên diện tích 200ha tại 4 xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng), Thạnh Hưng (Mộc Hóa), Hưng Thạnh (Tân Hưng) và Hậu Thạnh Đông (Tân Thạnh) với hơn 90 hộ tham gia. Với công nghệ mới, vụ hè thu đã đạt năng suất 8,3 tấn/ha, trong khi bình thường cao nhất chỉ đạt 6,5 tấn/ha. Khảo sát tại cánh đồng xã Khánh Hưng, nơi có 50ha đất trồng lúa đã được san phẳng, ông Dũng tận tình cho biết, sử dụng công nghệ mới này giúp mặt ruộng được san phẳng từ mức chênh lệch ban đầu 30-35cm xuống chỉ còn nhỏ hơn 3cm, đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước. Mặt ruộng bằng phẳng giúp giảm các chi phí sản xuất như giảm lượng giống gieo sạ từ 10-30 kg/ha, giảm 5-10% lượng phân bón (khoảng 2 bao/ha); giảm 30-50% thời gian mỗi lần bơm nước. Chẳng hạn trước đây 2ha ruộng phải mất 10 giờ bơm nước/lần thì bây giờ chỉ cần 5 giờ để bơm (một vụ cần khoảng 7 lần bơm nước). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện khan hiếm nước đầu vụ hè thu, bảo vệ nguồn nước phục vụ nông nghiệp theo hướng bền vững. Tính bình quân, mặt ruộng bằng phẳng sẽ giúp giảm các chi phí sản xuất khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất lúa bình quân từ 1-1,5 tấn/ha. Nếu lần đầu san bằng mặt ruộng bằng công nghệ laser phải đến 5 năm sau mới làm mặt ruộng lại. Ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng kết hợp cùng các tiến bộ kỹ thuật khác: Kỹ thuật xạ hang, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp, kỹ thuật sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẽ là cơ sở giúp cho tỉnh Long An xây dựng thành công 40.000ha lúa chất lượng cao theo quy hoạch trong thời gian tới. Được biết, năm 2005, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) chuyển giao cho Việt Nam sản phẩm máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser để dùng thử nghiệm trong việc san phẳng đồng ruộng. Sau khi tiếp nhận kỹ thuật, các nhà khoa học của Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp - Trường đại học Nông Lâm TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu và có những thiết kế để phù hợp với Việt Nam như: Tính toán, thiết kế các loại gàu san phù hợp với các chủng loại máy kéo khác nhau; sáng chế thiết bị giải nhiệt dầu thủy lực hệ thống nâng hạ; sửa chữa, điều chỉnh một số hư hỏng của thiết bị điều khiển... Hiện nay, toàn quốc mới có 10 bộ san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, trong đó Long An đã trang bị 6 bộ./.
|