Bản in
Lợi nhuận cao từ công nghệ tạo màng cho rau, quả
Đề tài “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tạo màng bề mặt dùng cho bảo quản rau quả: các mô hình quả có múi” của tác giả Nguyễn Duy Lâm và Phạm Cao Thăng – Viện cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã giúp nông dân những vùng sản xuất rau quả lớn trong cả nước bảo quản được hoa quả tươi lâu.

Thay thế công nghệ nước ngoài.

Theo TS. Nguyễn Duy Lâm, cả nước hiện có trên 474 nghìn loại cây ăn quả, cho sản lượng 6,2 triệu tấn/năm. Ngành rau quả cũng đã nhập và trồng được nhiều giống mới từ nước ngoài….đặc biệt những năm gần đây , ngành đã bắt đầu áp dụng phương pháp trồng cây theo tiêu chuẩn GAP. Trước tình hình trên đòi hỏi cần có các công nghệ sơ chế bảo quản rau quả nhằm bảo quản nông sản sau thu hoạch. Nhưng hiện nay tại Việt Nam, công nghệ sơ chế bảo quản rau quả vẫn chưa được đáp ứng. Đặc biệt việc tổn tất sau thu hoạch đối với các loại rau, củ, quả vẫn còn rất cao.

Việt Nam hiện đang thua kém các nước trong  khu vực như Thái Lan, Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a không những ở khâu thu hoạch mà ngay cả khâu sau thu hoạch như: phân loại xử lý, dãn nhãn, đóng thùng bảo quản.

Bên cạnh đó là việc thiếu các kỹ thuật, phương pháp sơ chế, bảo quản rau quả tươi. Ngay cả hệ thống các nhà sơ chế bảo quản vẫn chưa được xây dựng. Vì vậy các công nghệ hiện đại như MA, CA (phun hay quét để tạo ra một khí quyển biến đổi) còn lâu mới có thể phổ cập tại Việt Nam.

Nhờ việc áp dụng màng bảo quản (sản phẩm của đề tài) sẽ góp tạo chuyển biến trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản rau quả tươi, giảm tổn thất, tăng thời gian bảo quản phục vụ lưu thông trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện sản phẩm đã được triển khai thử nghiệm trong bảo quản cam quả với quy mộ hộ gia đình và ở rất nhiều địa phương trong cả nước như  Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh….Kết quả thử nghiệm áp dụng đặc biệt với giống cam sành Hà Giang quy mô lớn trong nhiều vụ đã khẳng định hiệu quả bảo quản rất tốt của chế phẩm này, do đó có thể kéo dài thời gian bảo quản lên đến 90 ngày.Theo đánh giá của nhiều hộ gia đình, quy trình áp dụng màng bảo quản rất dễ sử dụng, tranh thủ được nhân công tại chỗ, chi phí rẻ.

Đối với mô hình bảo quản bưởi Năm Roi sau khi được bảo quản bưởi có bề mặt xanh và bóng hơn so với quả không phủ màng mà vẫn giữ được mầu xanh tự nhiên của quả. Trong khi đó quả không phủ màng bị héo đi nhiều, da nhăn nheo và ngả sang màu vàng. Đặc biệt sau 3 tháng bảo quản với quy mô 2 tấn, tỷ lệ thối hỏng và hao hụt tự nhiên là 7,5% trong khi đó tỷ lệ không phủ màng là 37,8 %.

Công nghệ này cũng được áp dụng thực nghiệm trên cam Vinh tại xã Đông Tảo - Khoái Châu (Hưng Yên). Qua thực nghiệm cho thấy sản phẩm sau thu hoạch rất tươi, quả màu vàng sáng đều, cuống vẫn xanh và không bị rụng.

Ngoài giúp bảo quản, các sản phẩm tạo màng còn có khả năng làm chậm quá trình hô hấp, làm giảm sự mất nước tự nhiên, làm chậm quá trình chín hoặc sự già hóa của quả, giữ cho quả đảm bảo chất lượng, ít biến đổi về độ cứng và hương vị.

TS. Nguyễn Duy Lâm cho biết: “Nguyên liệu để sản xuất chế phẩm tạo màng gồm: Sáp ong, nhựa cánh kiến, axit béo, dung dịch amoniac… Một lít chế phẩm có thể bảo quản được 0,5-1 tấn quả. Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là không đắt tiền, dễ sử dụng do kỹ thuật áp dụng đơn giản, không yêu cầu nhân lực trình độ cao, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng… Hiện các quy trình công nghệ sản xuất quy mô 200 tấn/năm đầu tiên tại Việt Nam đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Đẩy mạnh ứng dụng

Từ những thành công trên, đề tài đã nhận được Cúp vàng Techmart ASEAN+3 năm 2009 và bằng độc quền sáng chế  và độc quyền kiểu dáng công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Thông qua  đề tài, Viện cũng đã hợp tác với các chuyên gia thuộc phòng thí nghiệm nghiên cứu quả có múi và cận nhiệt đới thuộc Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ để phát triển chế phẩm.

Theo TS. Lâm, từ những kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng như kết quả thu được thực tế cho thấy chế phẩm bảo quản sản xuất ở trong nước đã có hiệu lực tốt bảo quản được nhiều loại quả có múi. Quả sau khi được bảo quản vẫn giữ được hình thức đẹp mắt, đảm bảo  chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó quy trình bảo quản khá đơn giản, dễ áp dụng và phù hợp với quy mô nông hộ cũng như quy mô sản xuất nhỏ. Có thể tận dụng được lao động nông nhàn, không yêu cầu lao động có trình độ cao. Đặc biệt nếu mô hình được triển khai ngay tại vùng sản xuất sẽ thuận lợi trong việc thu mua và bảo quản.

TS. Phạm Đức Việt, Viện phó viện cơ điện sau thu hoạch cũng khẳng định, các địa phương triển khai theo mô hình thí nghiệm với chế phẩm tạo màng đã đem lại những hiệu quả tốt về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật. Đồng thời đây cũng là phương pháp dễ làm, dễ triển khai nên việc duy trì và nhân rộng mô hình bảo quản này hoàn toàn mang tính khả thi. Đặc biệt là đối với các vùng tiêu thụ bưởi, nếu đảm bảo được thời gian vận chuyển từ thu hái đến địa điểm tiêu thụ không quá 5 ngày thì vẫn áp dụng được phương pháp bảo quản này.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu và triển khai ở trong nước cho đến nay được thực hiện chủ yếu tại Viện cơ điện trong 5 năm (từ 2007-2012) khẳng định Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ từ việc sản xuất ra chế phẩm cho đến việc chế tạo các thiết bị nhằm từng bước cơ giới hóa từng phần hoặc toàn bộ các công đoạn trong quy trình áp dụng chế phẩm, TS. Việt cho biết thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc bảo quản màng cho các loại quả có múi vẫn còn một vài hạn chế bởi những nguyên liệu sản xuất màng chưa tận dụng được nguồn trong nước, chưa cơ giới hóa được khâu áp dụng. Một khó khăn khác ở khâu thị trường có thể gặp phải là tâm lý e ngại sử dụng rau quả đã qua bảo quản của người tiêu dùng.

Điều trăn trở nhất của TS. Lâm là làm sao để quy trình không chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm, mà có thể áp dụng rộng rãi, đặc biệt là có thể thương mại hóa được sản phẩm giúp nông sản Việt Nam đỡ nhọc nhằn trong việc bảo quản và tìm được đường ra với thị trường xuất khẩu.

Mai Mai