|
|||
Nằm trên đường quốc lộ 1A cách thành phố Lạng Sơn 30km, chúng tôi đến huyện Chi Lăng. Từ thị trấn Đồng Mỏ đến khu chợ Đồng Bành, hai ven đường, từ sáng đến chiều nông dân các xã trong vùng tấp nập đi trảy na về bán. Nhờ các kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương pháp mới, mà na Chi Lăng - Lạng Sơn hiện đã nổi tiếng khắp ba miền bởi quả to đẹp cũng như chất lượng, hương vị trái thơm ngon. Mấy năm nay nhờ trồng na mà mà nhiều hộ dân đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, đem lại nguồn thu từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, diện tích trồng na ở huyện Chi Lăng không ngừng tăng, tạo thành vùng hàng hóa có diện tích hơn 1.176ha, sản lượng ước đạt trên 6.000 tấn/năm; tính bình quân một ha na (khoảng 500 cây đang tuổi thu hoạch) đạt khoảng 75 triệu đồng. Bên cạnh cây na, nhiều huyện đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng khoai tây, dưa hấu ở huyện Lộc Bình, Cao Lộc; vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở Tràng Ðịnh, vùng quýt Bắc Sơn... Điển hình như bằng việc áp dụng phương pháp cấy mô tế bào giống khoai tây của Đức và Hà Lan, các cán bộ khoa học của Lạng Sơn đã tạo ra giống khoai tây sạch bệnh và bước đầu cung cấp khoảng 2,5 tấn giống nguyên chủng cho sản xuất, thay thế dần giống của Trung Quốc. Ưu điểm của loại khoai tây sạch bệnh là không bị bệnh héo rũ như giống khoai tây nhập từ Trung Quốc, năng suất đạt khoảng 18-24 tấn/ha (cao hơn khoảng 10 tấn/ha so với giống khoai tây Trung Quốc). Trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang trồng giống ngô lai LVN-10, có năng suất trung bình 16,2 tạ/ha… Theo ông Ninh, hiện đã có từ 70-95% số diện tích gieo trồng được bà con đưa giống mới cùng các kỹ thuật mới vào gieo trồng góp phần đưa tổng thu nhập trên diện tích gieo trồng đạt từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Nhờ áp dụng KHCN, sản lượng lương thực của tỉnh Lạng Sơn được cải thiện rõ nét. Trước năm 1990, sản lượng lương thực chỉ đạt khoảng 150 nghìn tấn/năm, sau khi áp dụng những tiến bộ KHCN vào sản xuất, nghiên cứu tìm ra những giống lúa, ngô lai cho năng suất cao, sản lượng lương thực tỉnh đã tăng lên nhanh chóng, đạt 230 nghìn tấn (năm 2001), 245 nghìn tấn (năm 2003), và từ năm 2010 đến nay ở mức khoảng 270 nghìn tấn/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng KHCN, ông Ninh cho biết, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, 80% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp. Trình độ của người dân, cũng như điều kiện, cơ sở vật chất của họ để tiếp nhận các tiến bộ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, hàng năm chúng tôi đều tham gia tham mưu cho UBND tỉnh những đề án, dự án, kế hoạch cụ thể và tăng cường đầu tư tiềm lực cho khoa học. Chúng tôi đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho người nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như trợ giá giống cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, tăng đầu tư cho trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN của tỉnh, để họ đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ trong chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu của trung ương đưa về khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi đã lập dự án, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt và sẽ khởi công xây dựng trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật, với quy mô khoảng 5,5ha, dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 45,9 tỷ đồng, để trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh có đầy đủ điều kiện và chủ động trong việc trồng khảo nghiệm các giống cây trồng mới”, ông Ninh chia sẻ thêm. |