Bản in
Sàn giao dịch công nghệ: "Cú hích" cho phát triển thị trường công nghệ
Sàn giao dịch công nghệ (GDCN) chỉ có thể tồn tại và phát triển được nếu tạo được và duy trì hiệu quả mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các sàn và giữa sàn với hệ thống cơ quan chức năng, tổ chức chuyên môn, tổ chức truyền thông hỗ trợ hoạt động của các GDCN.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và cũng là ý kiến của nhiều đại biểu tại tọa đàm "Kết nối sàn giao dịch công nghệ" do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN Nghệ An phối hợp tổ chức tại Nghệ An mới đây nhằm phát triển mạng lưới xúc tiến GDCN.

Đưa cung và cầu công nghệ gần nhau

Hiện tỉ lệ các đề tài, kết quả nghiên cứu của tổ chức KH&CN trong nước được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh còn thấp. Thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ vì cung và cầu công nghệ chưa gặp nhau.

Để nhanh chóng phát triển thị trường công nghệ, Nghị quyết 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có: "Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch quốc gia tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới"…

"Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung - cầu sản phẩm KH&CN mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch thông tin về KH&CN. Xây dựng hệ thống các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước".

Trong những định hướng quan trọng phát triển thị trường công nghệ được đưa ra tại Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN, việc hình thành, phát triển các sàn GDCN quốc gia và tại các địa phương là nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về thành lập, tổ chức và hoạt động của sàn GDCN chưa thực sự hoàn thiện, nhưng thời gian qua nhiều địa phương đã chủ động giao cho Sở KH&CN hoặc các đơn vị, tổ chức thuộc Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp xây dựng các đề án thành lập sàn GDCN.

Một số sàn GDCN đã hình thành, đi vào hoạt động và đã có một số kết quả nhất định như Sàn GDCN Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nghệ An. Tác động tích cực từ hoạt động của các sàn GDCN không chỉ thể hiện ở những con số về giao dịch, yêu cầu tư vấn, chào hàng, đặt hàng công nghệ và thiết bị, các sàn GDCN đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu, nhà sáng chế, nhà đầu tư trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Một số sàn giao dịch công nghệ ảo đã trở thành địa chỉ tra cứu thường xuyên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu phát triển.

Sàn GDCN Đà Nẵng được đưa vào hoạt động từ năm 2007 nhằm đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đến nay, Sàn đã góp phần thiết lập các mối quan hệ cung cầu trong lĩnh vực KH&CN, giúp giải quyết phần nào nhu cầu của các doanh nghiệp về đổi mới công nghệ; hỗ trợ nhà khoa học tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chất xám. Tính đến tháng 9.2012, Sàn đã có liên kết với hơn 4.500 doanh nghiệp trong nước, gần 140 doanh nghiệp nước ngoài, thực hiện gần 7.500 giao dịch.

Khác với Sàn GDCN Đà Nẵng chủ yếu dựa vào nguồn Ngân sách Nhà nước, Sàn GDCN Quảng Ninh được đưa vào hoạt động tháng 8.2012 theo mô hình hợp tác công tư giữa Sở KH&CN Quảng Ninh và công ty TNHH Phát triển công nghệ hệ thống (Systech).

Hiện Sàn đã giới thiệu, chào bán trên 10.000 công nghệ, thiết bị và giới thiệu hơn 1.050 nhu cầu công nghệ và thiết bị, giải pháp phần mềm tìm mua. Sàn đã huy động được nguồn lực của xã hội bao gồm vốn, nhân sự, kỹ năng quản trị và khả năng nhạy bén về thị trường. Systech đã đóng góp một phần vốn, toàn bộ trang thiết bị, kinh phí hoạt động. Đây là nguồn lực quan trọng để giảm gánh nặng cho ngân sách tỉnh trong giai đoạn khó khăn.

Cần sự liên kết chặt chẽ giữa các sàn GDCN

Theo ông Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, các sàn GDCN của Việt Nam hầu hết là mới thành lập (tuổi đời dưới 5 năm). Hoạt động của các sàn tập trung nhiều vào thiết bị công nghệ hơn là hàng hóa công nghệ. Việc quy hoạch, phát triển hệ thống các sàn GDCN; đánh giá, định giá công nghệ; liên kết, phối hợp giữa các sàn còn hạn chế.

Cần có những quy định cụ thể về điều kiện thành lập, quy chế hoạt động, kinh phí và nguồn đầu tư cho các sàn, yêu cầu của một sàn GDCN, trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch tại sàn,...; xây dựng quy hoạch tổng thể về hệ thống sàn GDCN trên toàn quốc; quy chế phối hợp giữa các sàn để trao đổi thông tin, không chỉ giữa các sàn trong nước mà cả với các sàn trên thế giới (Hiện kho lưu trữ với khoảng 60 triệu sáng chế chưa được khai thác triệt để).

Việc liên kết hợp tác các sàn nên tập trung vào chia sẻ tài nguyên thông tin, đào tạo nhân lực, đề xuất chính sách. Có thể liên kết theo 2 hướng giữa các sàn với nhau và giữa các sàn với cơ quan chức năng, tổ chức chuyên môn hỗ trợ. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn ban đầu để các sàn GDCN đi vào hoạt động, đưa nhanh các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, ông Phạm Văn Diễn khẳng định.

Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết, việc tư vấn có phù hợp hay không đóng vai trò quyết định sự thành bại của các GDCN. Nhưng hiện chưa có văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động tư vấn GDCN, không có một chính sách ưu đãi nào đối với các doanh nghiệp tư vấn. Chẳng hạn, trong các giải pháp kích cầu hiện nay, doanh nghiệp tư vấn đã bị loại khỏi đối tượng của tất cả các chính sách ưu đãi cụ thể.

Cùng với đó, cần phát triển mạnh mẽ mạng lưới dịch vụ như thông tin hỗ trợ thị trường công nghệ, phát triển ngành dịch vụ trung gian trong đó có môi giới công nghệ, đánh giá công nghệ, quyền sở hữu tài sản công nghệ,…; có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp điều hành quản lý, tác nghiệp sàn GDCN; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tài chính, thuế, công thương.

Các sàn GDCN cũng cần chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu hoạt động của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trình diễn và triển lãm công nghệ,…; liên kết chặt chẽ giữa các sàn để chia sẻ, tận dụng các nguồn lực, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu chung, sử dụng chung ngân hàng chuyên gia, phối hợp đào tạo nhân lực.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, có rất nhiều việc phải làm để các tổ chức này thực sự đảm nhiệm vai trò, chức năng của một sàn GDCN đúng nghĩa. Cụ thể: Tăng tỉ trọng "công nghệ" được chọn lọc và giới thiệu; chủ động, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ "trọn gói" cho các bên có nhu cầu đặt hàng, chào hàng, GDCN; đa dạng hóa các nguồn cung, cầu công nghệ, trong đó ưu tiên thương mại hóa các công nghệ tạo ra từ trường, viện, nhà sáng chế trong nước, kết nối nhiều nguồn cung công nghệ thuộc thế mạnh của các nước khác nhau; nâng cao năng lực tư vấn lựa chọn công nghệ, năng lực chuyên gia đánh giá, định giá công nghệ, dịch vụ pháp lý về chuyển giao công nghệ, li-xăng quyền sở hữu trí tuệ;...

Những vấn đề đó chỉ có thể giải quyết được bằng các giải pháp mang tính hệ thống. Trong đó, các cơ quan chức năng ở Trung ương phải sát cánh cùng các sở KH&CN địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cho sàn GDCN. Các cơ quan quản lý, đơn vị có nguồn thông tin công nghệ, sáng chế, sở hữu trí tuệ có giải pháp hỗ trợ các sàn tiếp cận, chọn lọc, khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế, giải pháp công nghệ có giá trị thương mại.

Tổ chức trung gian, đội ngũ chuyên gia tư vấn cần sớm được hình thành, đào tạo thường xuyên để hỗ trợ đắc lực cho các bên tham gia giao dịch. Tổ chức truyền thông có giải pháp phù hợp để doanh nghiệp, viện, trường, tổ chức nghiên cứu, nhà sáng chế quan tâm và tham gia sàn GDCN.

Sàn GDCN là một trong những địa chỉ và phương thức quan trọng để hỗ trợ hình thành các mối quan hệ đối tác công nghệ; tạo sự liên kết hữu cơ giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH&CN, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội.

Hoạt động của sàn GDCN gồm: Tổ chức môi giới chuyển giao công nghệ; tổ chức hội thảo, trưng bày giới thiệu; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp trong quá trình GDCN; cung cấp các dịch vụ đánh giá, thẩm định công nghệ; hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về chuyển giao công nghệ; làm cầu nối giúp các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học cùng nghiên cứu, phát triển công nghệ; tư vấn thành lập doanh nghiệp KH&CN; tư vấn, hỗ trợ vay vốn từ các Quỹ để hoàn thiện công nghệ;...

Nguyễn Hạnh