Bản in
Hội nghị khoa học lần thứ 20 trường Đại học Mỏ - Địa chất
Biển đông và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa; Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc tích nứt nẻ tới sự ngập nước của các giếng khai thác trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ; Nghiên cứu xây dựng mô hình dữ liệu GIS – 3D phục vụ công tác giảng dạy môn học trình bày bản đồ của bộ môn bản đồ …; là những chủ đề chính được trình bày trong hội nghị khoa học lần thứ 20 vừa diễn ra tại trường Đại học Mỏ - Địa chất – Hà Nội sáng ngày 15/11.

Theo đó, Hội nghị khoa học lần thứ 20 sẽ diễn ra báo cáo khoa học song song của 14 tiểu ban, với hàng trăm báo cáo khoa học có giá trị cao, bao gồm: Khai thác tuyển mỏ - Tuyển khoáng; Xây dựng; Cơ điện; địa chất - khoáng sản; Địa chất công trình – Địa chất thủy văn; Môi trường; Bản đồ - Viễn thám – GIS; Trắc địa – Địa chính – Trắc địa mỏ; Dầu khí; Kinh tế và Quản trị kinh doanh 1; Kinh tế và Quản trị kinh doanh 2; Khoa học cơ bản; Lý luận chính trị và Công nghệ thông tin.

Một số báo cáo khoa học gây ấn tượng, điển hình như báo cáo Biển đông và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của GV.Hà Văn Thanh, Bùi Kim Hồng, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Nhóm xây tiến hành báo cáo cho biết, Biển Đông có vị trí quan trọng trong chiến lược biển và an ninh của các nước lớn ở Châu Á và Thái Bình Dương, sự quan tâm của các nước đến Biển Đông đã trực tiếp tác động đến tình hình khu vực và Việt Nam.

Đề tài góp phần làm rõ các cứ liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trên cơ sở đó nhằm tăng cường hiểu biết cho sinh viên - chủ nhân tương lai của đất nước; đồng thời giúp họ nâng cao nhận thức, có ý thức trách nhiệm cao trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngoài ra, còn có một số báo cáo thu hút được chú ý của các đại biểu như báo cáo Nghiên cứu xây dựng mô hình dữ liệu GIS – 3D phục vụ công tác giảng dạy môn học trình bày bản đồ của bộ môn bản đồ của  GV Trần Thị Hương Giang, Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

GV. Trần Thị Hương cho biết, bề mặt đất nhấp nhô và liên tục của trái là một đối tượng quen thuộc đối với người sử dụng bản đồ và được phân tích, thể hiện lên bản đồ trong hàng trăm năm nay. Các nhà bản đồ đã đưa ra rất nhiều phương pháp thể hiện địa hình của mặt đất lên bản đồ như đường đồng mức, vờn bóng, thang tầng màu và phối cảnh ba chiều.

Ngày nay, với sự ra đời của GIS – 3D, việc thể hiện bề mặt trái đất trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn so với những phương pháp truyền thống. Nó hỗ trợ những nhà phân tích, người sử dụng bản đồ trong việc thể hiện trực quan sinh động bề mặt trái đất và đưa ra những phân tích hiệu quả phục vụ cho đời sống dân sinh. Chính vì lý do đó, việc đưa vào giảng dạy mô hình cơ sở dữ liệu GIS – 3D cho sinh viên ngành bản đồ là hết sức cần thiết.

Hội nghị Khoa học lần thứ 20 của Trường Đại học Mỏ - Địa được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày thành lập Trường. Hội nghị nhằm giới thiệu và trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng triển khai công nghệ, các tiến bộ, các ý tưởng về khoa học – công nghệ và những yêu cầu cấp bách trong thực tiễn thuộc các lĩnh vực chuyên môn trong ngành.

Tin, ảnh: Hoàng Anh