Bản in
“Chúng tôi tin tưởng và trông cậy vào thế hệ trẻ”
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân tại buổi gặp gỡ toàn quốc tài năng KH&CN Việt Nam do Bộ KH&CN phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS HCM tổ chức ngày 9/11.

Phát huy hơn nữa vai trò của tài năng trẻ

Thông báo với các tài năng trẻ KH&CN Việt Nam 2012, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, việc Hội nghị lần thứ 6 ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Trong đó, Nghị quyết có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao chủ trì nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH&CN trẻ tài năng, chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng đại học. Sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia KH&CN học tập ở nước ngoài. Có chính sách hỗ trợ cán bộ KH&CN đi làm việc và thực tập có thời hạn tại các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp ở nước ngoài để giải quyết các nhiệm vụ KH&CN có ý nghĩa quốc gia…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức. Trong đó, các nhà khoa học trẻ Việt Nam luôn tích cực, hăng hái tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều cán bộ trẻ đã đứng độc lập, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu lớn, nhiều công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đĩa bay, robot thông minh… được thị trường nước ngoài đón nhận.

Bộ trưởng nhấn mạnh, KH&CN luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là lĩnh vực rất quan trọng, là then chốt, nền tảng, động lực, quốc sách trong sự phát triển của đất nước. Trong những năm qua, mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng kết quả hoạt động khoa học và công nghệ nước ta vẫn còn có những hạn chế, đầu tư cho KH&CN chưa thỏa đáng; cơ chế tài chính cho KH&CN còn nhiều bất cập và đặc biệt là việc phát triển nguồn nhân lực cho KH&CN hiện còn nhiều vướng mắc đang là những lực cản đối với sự phát triển KH&CN đất nước.

“Một trong những vấn đề các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay chính là việc thiếu các chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức. Hiện giới viên chức khoa học đang chịu thiệt thòi là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù như phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên, dưỡng liêm… giống như viên chức của ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác. Vì vậy ngành khoa học công nghệ trong nước đang đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám…” Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Để KH&CN đáp ứng được vai trò quốc sách hàng đầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ sự kỳ vọng, trông cậy vào thế hệ trẻ, những người có tài năng, tâm huyết và trí tuệ. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đặt niềm tin vào các tài năng trẻ trong tương lai sẽ trở thành những cán bộ đầu ngành KH&CN, phát huy sức mạnh, trí tuệ góp phần thực hiện thắng lợi vai trò quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc của KH&CN.

Khát khao cống hiến cho KH&CN nước nhà

Tại buổi gặp mặt, các tài năng trẻ KH&CN đã bày tỏ nguyện vọng được cống hiến công sức, trí tuệ cho nền khoa học của đất nước; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế…

Anh Lê Văn Cảnh – Giảng viên trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn làm thế nào để nhân rộng mô hình Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học; kết nối hiệu quả nhà khoa học với các doanh nghiệp… Theo anh Cảnh có những đề tài đã bảo vệ thành công nhưng muốn ứng dụng vào thực tiễn lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể vì không tìm được đối tác cũng như kinh phí triển khai….

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hiện nay Bộ KH&CN đã thành lập, trình Thủ tướng ban hành 11 chương trình quốc gia về KH&CN, đây là môi trường để các nhà khoa học và doanh nghiệp có thể gặp được nhau. Ví dụ, Chương trình Sản phẩm quốc gia. chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, chương trình năng suất chất lượng, chương trình hàng rào kỹ thuật trong thương mại… Bên cạnh đó, hoạt động về thị trường công nghệ, như các kỳ hội chợ công nghệ Techmart quốc tế, quốc gia cũng là nơi để các nhà khoa học giới thiệu các kết quả nghiên cứu của mình và là nơi doanh nghiệp tìm đến để có thể ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua công nghệ và hỗ trợ, đổi mới công nghệ.

Đồng thời, với Nghị định 80 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, lần đầu tiên, khái niệm này được nhắc đến, đó là doanh nghiệp của những người làm khoa học, doanh nghiệp của những người ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Mô hình này thuận tiện ở chỗ sản phẩm của doanh nghiệp chính là những kết quả nghiên cứu khoa học do các doanh nghiệp làm chủ sở hữu, chủ sử dụng một cách hợp pháp.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp đủ tiêu chí để công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Nếu thành lập được nhiều những doanh nghiệp theo mô hình này thì con đường nghiên cứu đến sản xuất sẽ được rút ngắn. Vừa giữ được bản quyền, vừa được hưởng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh kết quả nghiên cứu của mình. Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay chính sách của Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thành lập đơn vị nghiên cứu trong lòng doanh nghiệp, thành lập viện nghiên cứu riêng của doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp dành một phần lợi nhuận để đầu tư cho đơn vị nghiên cứu của mình để có thể nghiên cứu ngay những vấn đề của doanh nghiệp như: cải tiến mẫu mã, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao…

Trước câu hỏi khi nào có thể áp dụng cải cách thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học của một đại diện tài năng trẻ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, chúng ta sẽ cố gắng tạo ra một điều kiện làm khoa học tốt nhất để các nhà khoa học có thể sống được bằng nghề. Giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cho tập thể và cá nhân. Nếu đề tài dùng tiền ngân sách thì khi có kết quả là quyền sử dụng của nhà nước. Các nhà khoa học không thể mang kết quả đi bán được. Bây giờ luật sẽ cho phép giao quyền sở hữu ấy cho nhà khoa học. Họ có thể bán kết quả đó cho doanh nghiệp. Hoặc các nhà khoa học có thể dùng kết quả đó để góp vốn vào doanh nghiệp dưới dạng cổ phần, bằng tài sản vô hình, theo thỏa thuận của doanh nghiệp.

Cách thứ hai, trước mắt, không thể nâng lương được cho tất cả thì đề nghị nhà nước trọng dụng 3 nhóm đối tượng để làm tiền đề: một là nhà khoa học đầu ngành- người đứng ở tầm quốc gia, đứng đấu cơ quan nghiên cứu… Hai là nhóm các nhà khoa học được giao những nhiệm vụ đặc biệt. Ba là những nhà khoa học thực sự tâm huyết và tài năng có những môi trường làm việc thuận lợi nhất.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay Luật KH&CN sửa đổi đang được trình Quốc hội. Sau khi có luật, còn phải chờ có nghị định hướng dẫn, thông tư hướng dẫn và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành, đặc biệt là bộ tài chính để hướng dẫn quan điểm. Có nguồn từ Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, của các bộ ngành, trung ương, có cơ chế chính sách để đãi ngộ cán bộ, có cơ chế tài chính phù hợp cho các đề tài dự án, lúc đó, giới khoa học sẽ sống được bằng nghề, đặc biệt là người giỏi sẽ sống tốt. Không biết những cơ chế này vào cuộc sống có nhanh hay không nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức. Bộ trưởng khẳng định.

Diệu Huyền – Hoàng Anh