Bản in
Trồng rau xanh ở đảo chìm Trường Sa
Xuất phát từ ý tưởng trồng rau trên quần đảo Trường Sa trong mùa mưa, khi thời tiết khó khăn để trồng trọt, Lê Viết Hoa, sinh viên Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh cùng thầy giáo Phạm Tấn Trường, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện công trình nghiên cứu trồng rau xanh vào mùa mưa cho chiến sĩ Trường Sa.

Đoạt giải ba cuộc thi Ý tưởng sáng tạo sinh viên ĐH Quốc gia năm 2009 với tên gọi "Trồng rau xanh bằng ánh sáng đèn trên các đảo chìm vào mùa mưa", công trình đã được triển khai ở bốn đảo gồm Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây và Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 8-2011 và được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh chọn làm Công trình Thanh niên năm 2011.

Điều kiện ở Trường Sa vào mùa mưa là một thách thức lớn với việc trồng trọt. Đất cát nhiễm mặn, gió to, sóng lớn, ánh sáng không đủ, diện tích chật hẹp cùng với việc thiếu thốn về phân bón và nguồn nước ngọt là những yếu tố được hai tác giả cẩn thận xem xét. Giải pháp được đưa ra là trồng rau trên những giá đỡ làm bằng inox không gỉ, rộng 0,3m, dài khoảng 1,2m gồm 4 tầng để tiết kiệm diện tích. Cát thừa từ những công trình xây dựng trên đảo được chọn để trồng thay cho đất và xơ dừa, hai thứ vốn hiếm hoi ở Trường Sa. Cách gieo trồng được thực hiện đơn giản: đổ một lớp cát khoảng 1,5-2cm vào mỗi tầng, bỏ hạt mầm vào rồi tưới ẩm, sau đó phủ thêm một lớp cát lên trên.

Không có ánh sáng mặt trời vì được trồng trong nhà, ánh sáng đèn được chọn để cung cấp năng lượng cho rau phát triển. Thử nghiệm từ đèn tuýp, đèn compact cho đến đèn led, từ 14 bóng rồi giảm dần về số lượng, cả hai tác giả kiên nhẫn theo dõi từng ngày để lựa chọn phương án tối ưu nhất là sử dụng 2 đèn tuýp. "Công trình của chúng mình là định lượng những yếu tố sao cho đơn giản và tiết kiệm nhất, phù hợp với điều kiện ở đảo. Các chiến sĩ cần rau xanh ăn hằng ngày nên không thể chờ đến một tháng để rau phát triển được. Hai loại rau phù hợp với cách trồng này là cải củ để ăn lá, thu hoạch sau khi gieo 6-7 ngày và rau muống, thu hoạch sau khoảng 9 ngày, khi cây rau già hơn rau mầm một chút. Thời gian nhanh nhưng vẫn bảo đảm đủ lượng chất xơ và dinh dưỡng" - Lê Viết Hoa chia sẻ.

Công trình được PGS-TS Võ Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu hỗ trợ một phần kinh phí và tư vấn chuyên môn. Ngoài ra một nhóm sinh viên khác cùng góp sức trong từng giai đoạn nghiên cứu. Trải qua hơn một năm, nhóm gặp không ít khó khăn như cây chết hàng loạt vì sâu bệnh, thiếu kinh phí, thiết kế chưa phù hợp… đến giữa năm 2012, công trình cơ bản thành công. Tháng 5-2012, Lê Viết Hoa theo chuyến hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2012" ra đến Trường Sa, đem theo những giá trồng, hạt giống và hệ thống đèn để trồng thử nghiệm và điều chỉnh các phát sinh trong điều kiện thực tế tại đảo. Lê Viết Hoa cho biết: "Thật bất ngờ và vui mừng khi rau phát triển rất nhanh và không hề bị bệnh khi trồng trên đảo". Hiện nhóm đã có thêm 21 bạn sinh viên từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển công trình để ứng dụng trên quy mô rộng hơn ở các đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa. Hướng đến mục tiêu giảm bớt tiêu hao và đa dạng hóa cây trồng, Lê Viết Hoa đang nghiên cứu cải tiến phương pháp cũng như trồng thêm cà chua, cải, mướp… để làm phong phú thêm bữa ăn của các chiến sĩ.