|
|||
Đi lên từ kinh nghiệm thực tế Trong những bước đi đầu tiên, hoạt động chủ yếu của viện là điều tra, thu thập kinh nghiệm sản xuất của nông dân, thông qua luận giải bằng kiến thức khoa học để nâng lên thành biện pháp kỹ thuật, phổ biến và nhân rộng. Các kỹ thuật điển hình giai đoạn này là nuôi bèo hoa dâu, phát triển cây phân xanh (điền thanh mô), chế biến (ủ) và sử dụng phân chuồng, phân bắc. Sau này, Viện đã đi sâu tổng kết kinh nghiệm “nước, phân, cần, giống” của nông dân, nâng lên thành hệ thống kỹ thuật liên hoàn cho mỗi loại cây trồng và vật nuôi. Từ giai đoạn 2007-2012, Viện đã được công nhận 341 giống cây trồng mới và 36 biện pháp kỹ thuật trong hầu hết các lĩnh vực, giống lúa mới của Viện chiếm trên 30% diện tích tại phía Bắc, 80% tại Đồng bằng sông Cửu Long và 38% tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, làm lợi 5-6 ngàn tỉ đồng/năm. Giống ngô lai có thể cạnh tranh được với giống nước ngoài cả về chất lượng và giá cả, thậm chí đã xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc. Hiện nay, giống ngô của Viện đảm bảo 40% nhu cầu giống ngô lai cả nước. Nhờ giống mới, trong 5 năm qua năng suất ngô tăng trên 0,5 tấn/ha, vượt qua Thái Lan và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Về nghiên cứu cơ bản, Viện đã đạt được một số thành công trong tiếp cận và làm chủ công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh phục vụ tạo giống và nhân giống cây trồng mới trong sản xuất phân bón sinh học, vi sinh vật chức năng và chế phẩm vi sinh. Hiện nay, Viện đang quản lý 24.500 mẫu nguồn gen của các loài cây trồng có ở Việt Nam với gần 20.000 nguồn gen đang bảo tồn tại Ngân hàng gen Quốc gia và trên 5.000 nguồn gen lưu giữ tại cơ quan mạng lưới. Đặc biệt, Viện cũng đã thành công trong việc cải tiến gống trên cơ sở nguồn gen nhập nội và giống cổ truyền, chọn tạo được nhiều giống lúa mới có năng suất cao như: 314, 424, NN5, Nếp 415,…Cơ sở khoa học của việc thâm canh, luân canh và xen canh cây trồng cũng được bắt đầu nghiên cứu, tạo nên các gói kỹ thuật ngày càng đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Có thể nói, đạt được những thành tựu trên, các cán bộ của VAAS đã đi theo đúng phương châm mà các bậc tiền bối của Viện đã đề ra. Đó là “khoa học nông nghiệp phát triển theo đường lối quần chúng, cán bộ khoa học nông nghiệp vừa là người hướng dẫn, vừa là học trò của nông dân…”. Đây là “kim chỉ nam” cho các thế hệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy trong thời đại mới. Đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm KH&CN Thương mại sản phẩm nghiên cứu là chủ trương lớn của VAAS nhằm đưa nhanh kết quả vào sản xuất, đồng thời khẳng định tính hiệu quả của công tác nghiên cứu. Theo chủ trương này, từ năm 2006 đến 8/2012 đã có 30 giống được chuyển giao thương mại (18 giống lúa thuần, 2 giống lúa lai và 4 giống ngô, 1 giống lạc) với giá trị đạt trên 30 tỷ đồng. Năm 2012 cũng có nhiều giống đang được các công ty đặt mua như giống lúa P6ĐB, SH8, GL159, giống lạc L19, giống dưa chuột CV29, CV209… Để tăng cường hoạt động chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, Viện đã ký “Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giống cây trồng” với Hiệp hội thương mại giống cây trồng và ký biên bản hợp tác với UBND một số tỉnh trong cả nước. Viện cũng chủ động xây dựng ngân hàng kiến thức của cây lúa, ngô và cây cà phê, thực hiện chuyên đề “mỗi ngày một kỹ thuật tiến bộ” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, và “Mỗi tuần một giống mới” trên truyền hình. Hệ thống chuyển giao trong toàn Viện đã được hình thành và hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện cho biết, ngoài tiến bộ về giống, Viện cũng có hàng trăm quy trình công nghệ được công nhận. Các quy trình sản xuất theo GAP, nâng cao chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất nông sản an toàn, bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý được tiến hành… Đặc biệt các quy trình phòng trừ rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, nhân giống dứa bằng giâm hom, ghép cà chua để nâng cao khả năng chống bệnh héo xanh vi khuẩn, tăng khả năng chống chịu ngập úng trong điều kiện trồng trái vụ, tạo cây giống sạch bệnh bằng vi ghép đỉnh sinh trưởng, kỹ thuật canh tác đất dốc bền vững… đã được công nhận và chuyển giao vào sản xuất. Các quy trình trồng nấm từ quy mô hộ đến trang trại, từ nấm phổ biến đến nấm cao cấp đã được hoàn thiện, thực sự đưa trồng nấm thành một nghề mới, hiệu quả được Chính phủ đưa vào Chương trình Sản phẩm Quốc gia. Công nghệ trồng hoa cao cấp được hoàn thiện và chuyển giao cho trên 50% tỉnh thành trong cả nước. Việc chuyển nhượng bản quyền tuy chưa nhiều so với số lượng giống tạo ra, nhất là các giống thuần nhưng đây là tín hiệu tích cực về liên kết khoa học – doanh nghiệp, đồng thời hoạt động này cũng gián tiếp khẳng định chất lượng của giống đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, sản xuất.
Bài, ảnh: Hồng Hiệp |