Bản in
Làm lợi hàng chục tỷ đồng nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất
Với tổng số đầu tư ban đầu là 12 tỷ đồng, sau 7 năm chú trọng đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đến nay Công ty CP Thanh Hương đã đạt được một số kết quả rất ấn tượng. Hiện nay doanh thu hàng năm của công ty đạt 30 tỷ đồng; lợi nhuận thu được là 4 – 5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động với mức lương 3.500.000đồng/tháng.

Công ty vinh dự là doanh nghiệp KH&CN duy nhất tại vùng Bắc Trung Bộ tính đến thời điểm hiện tại.

Ứng dụng KHKT vào sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao

Nhận thức được việc trồng rừng, tái sinh rừng ở vùng cát ven biển là một việc làm cần thiết để bảo vệ môi trường hệ sinh thái ven biển, chống cát bay, cát lấp. Công ty Thanh Hương đã chú ý vừa phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, vừa phát triển trồng rừng, tái sinh rừng bằng nhiều loại cây lâm nghiệp thích hợp với vùng biển.

Với 10 ha cây lâm nghiệp, bên cạnh cải tạo đất, bón phân, công ty đã ứng dụng tiến bộ KHKT trồng cây lâm nghiệp trên cát như vun luống, trồng thành băng đã có tác dụng giữ nước, chống cát chảy, cát bay tạo điều kiện cho cây phát triển mạnh, hạn chế tối đa giống cây chết vì khô hạn. Qua 7 năm cải tạo và trồng mới, vùng đất canh tác của công ty Thanh Hương đã được phủ xanh hơn 1 triệu cây các loại.

Bên cạnh việc áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng rừng, công ty Thanh Hương còn đưa một số giống cây ăn quả mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thử nghiệm, từ đó đúc kết để mở rộng sản xuất như đu đủ, thanh long ruột đỏ, cam valencia 2 không hạt. Các đôi tượng cây trồng mới không ngừng được mở rộng và phát triển. Rừng  trồng của công ty vừa đảm bảo phòng hộ cho vùng đất cát đang chuyên canh, vừa đảm bảo phát triển hệ sinh thái ven biển Quảng Bình.

Ông Võ Đại Nghĩa – GĐ Công ty CP Thanh Hương cho biết, nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà năng suất cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra của công ty tăng cao. Hiện tại, sản phẩm tôm nuôi chính của công ty là thẻ chân trắng. Sản lượng đạt được 380 – 400 tấn/năm. Công ty thực hiện nuôi luân canh nhằm đủ cung cấp cho thị trường trong tỉnh và cả nước về thực phẩm tôm tươi sống ở tất cả các mùa trong năm, đặc biệt là vào vụ đông.

Công ty cũng đã phối hợp với trường đại học Nha Trang tiến hành tiếp nhận và thực thi đề án “sinh sản giống nhân tạo cá Đối Mục”. Đây là loại cá  có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi. Tính đến nay,dự án đã thành công ngoài mong đợi. Nguồn cá không ngừng tăng lên và đang được đưa ra thị trường, mở ra một hướng đi mới cho các hộ dân chuyên nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận.

Những giống cây mới có giá trị cao như Thanh Long ruột đỏ.

Việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trang trại trên vùng đất cát ven biển huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã tạo ra những hiệu quả kinh tế và xã hội cao. Từ một vùng đất hoang hóa, công ty Thanh Hương đã áp dụng KHKT biến thành vùng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa và tiến tới xuất khẩu. Bình quân thu được 150 – 200 triệu/ha/năm. Doanh thu hàng năm của công ty đạt 30 tỷ đồng; lợi nhuận thu được là 4 – 5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động với mức lương 3.500.000đồng/tháng.

Doanh nghiệp KH&CN về nông nghiệp đầu tiên

Trong thời gian tới công ty Thanh Hương sẽ tiến hành mở rộng quy mô trang trại với nhiều hạng mục sản xuất kinh doanh khác nhau, tiến tới trở thành một doanh nghiệp KH&CN về nông nghiệp đầu tiên tại Quảng Bình với việc ứng dụng KHKT vào sản xuất. Công ty cũng sẽ tăng cường hơn nữa việc áp dụng công nghệ mới vào các mảng sản xuất kinh doanh.

Trước hết, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản với nhiều sản phẩm khác nhau. Chú trọng phát triển tôm thẻ chân trắng Nam Mỹ, cá đối mục…, cải tiến quy trình cũ, áp dụng kỹ thuật và mô hình mới vào nuôi để đạt năng suất cao, tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng lên 20 tấn/ha/vụ.

Trong hai năm 2012 – 2015, công ty cũng sẽ tiến hành mở rộng quy mô trại cá giống với nhiều giống cá có giá trị kinh tế cao. Trong đó, công ty chú trọng giống cá đối mục; nuôi thương phẩm và bán ra thị trường các sản phẩm từ loại cá này; nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm những đối tượng nuôi mới như tu hài, ca chém, cá bống tượng…, nhằm cung cấp cá giống cho thị trường.

Tuy nhiên,  cũng theo ông Võ Đại Nghĩa thì hoạt động ứng dụng KHKT vào sản xuất cũng như một số khâu khác của công ty đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng bên cạnh đó cũng còn gặp không ít khó khăn chưa khắc phục được.

Bên cạnh đó do Công ty CP Thanh Hương xây dựng trên trên một vùng cát ven biển nên rất khó khăn khi cải tạo thành đất trồng trọt hay nuôi trồng thủy sản. Công ty cũng đã có một số đề tài nghiên cứu nhưng trong số này vẫn còn một số đề tài chưa mang tính khả thi cao, quỹ đất còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất của công ty.

Do đó, lãnh đạo công ty Thanh Hương cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện giúp đỡ công ty thực hiện một số đề tài, dự án có tính mới và tính khả thi cao.; hỗ trợ cho công ty có thể sử dụng đất chưa khai thác để mở rộng thêm về quy mô sản xuất kinh doanh, tạo ra tiền đề cơ bản có thể phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Ông Lê Tiến Dũng – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình cho rằng, mặc dù là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Quảng Bình và vùng Bắc Trung Bộ nhưng công ty cổ phần Thanh Hương vẫn đang gặp một số khó khăn nhất đinh. Trong thời tới tỉnh Quảng Bình sẽ tích cực ủng hộ, tạo điều kiện cho Thanh Hương áp dụng được nhiều hơn nữa những tiến bộ HKKT vào sản xuất để hoạt động của công ty đạt kết quả cao nhất.

Bài, ảnh: Hoàng Anh