|
|||
Đó là những ưu điểm chính của lò đốt chất thải rắn do các cán bộ của Công ty TNHH một thành viên Đức Minh và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) nghiên cứu, chế tạo, một trong những sản phẩm sẵn sàng chuyển giao được giới thiệu tại hội nghị “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển các sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Hồng” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức mới đây. Công nghệ lò đốt rác thải dựa hoàn toàn trên cơ sở đối lưu tự nhiên của dòng vật chất do sự chênh lệch nhiệt độ tạo ra. Việc kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng mở các cửa cấp gió bên dưới hoặc bên thân lò. Lượng nhiệt duy trì quá trình cháy trong lò do rác thải tạo ra trên cơ sở tận dụng tối đa lượng nhiệt bức xạ, lượng nhiệt trong quá trình phản ứng hóa học phân hủy rác mà không cần dùng đến bất kỳ nguồn năng lượng nào từ bên ngoài. Lò đốt được thiết kế để có thể xử lý được các loại rác thải sinh hoạt trong vòng 24 giờ với công suất 500kg/giờ, tương đương khoảng 2m3/giờ và có thể đốt đồng thời nhiều loại rác, phụ phẩm nông nghiệp (lõi ngô, vỏ lạc, trấu, rơm, rạ),… Vì thế, công nghệ này rất thuận tiện với cộng đồng sinh hoạt từng vùng, từng khu vực công nghiệp hay các nhà máy, khu sinh hoạt công cộng như: khách sạn, khu du lịch, trường học, hải đảo,… Ngoài tính kinh tế cao vì không phụ thuộc vào bất kỳ nguồn năng lượng nào như dầu, điện, gas,…, công nghệ này còn xử lý triệt để được vấn đề rác thải của cộng đồng, thay thế phương pháp xử lý rác thải thông thường bằng cách chôn lấp rất tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nguyễn Hạnh |