|
|||
15 năm - Một sáng kiến để đời Kỹ sư Phan Đình Phương quê ở Quảng Trị, năm nay đã ngoài sáu mươi tuổi. Hiện là Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh, Đà Nẵng. Vì niềm đam mê sáng tạo mà ông không có tuổi già, không thể thành “tỉ phú” bởi đã phải bán hết nhà cửa, tài sản để thực hiện đến cùng. Năm 1972, khi đang học năm cuối trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ về tại chiến trường Khe Sanh, quê hương ông. Sau giải phóng, ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Phòng không không quân, phụ trách chất lượng xăng dầu máy bay chuyên cơ A. Sáng chế đầu tiên của ông là pha chế thành công nhiên liệu xăng dùng cho cả hai loại máy bay và được đưa vào sử dụng. Đến năm 1977, ông được điều về làm việc tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng. Bảy năm tại đây, ông đã thai nghén thành công nhiều sáng kiến ứng dụng có ích trong thực tế như phương pháp ướp tinh động vật bằng ni-tơ lỏng, tách nước khỏi nhớt, nén khí, xe nhặt rác… Nhưng thành công để đời sau 15 năm đam mê tìm tòi sáng tạo của ông là Máy chữa cháy An Sinh có khả năng chữa các đám cháy tại các nhà máy điện hạt nhân. Đây là sáng kiến có sự góp sức của con trai ông là kỹ sư Phan Trọng Nghĩa và ba cộng sự khác. Thiết bị này có cấu tạo gồm: một bể chứa nước, các bình khí CO2 được nén và kết nối qua hệ thống đường ống, chất tạo bọt, điểm cuối là “mắt” báo cháy (thiết bị cảm biến) dùng để khởi động các van. Khi có cháy, nhiệt độ tăng lên thì “mắt” báo cháy sẽ tự động mở van, áp suất từ các bình khí sẽ tự động đẩy nước đi. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố có thể phun nước hoặc bọt CO2 để chữa. Thiết bị này còn dùng các chất chữa cháy như Nitơ, CO2, bọt, nước... nên chỉ chưa đầy 3 giây sau khi có cháy, máy đã phun chất chữa cháy thích hợp để dập lửa, hạn chế tối đa thiệt hại các thiết bị và cơ sở vật chất do cháy gây ra. Năm 2008, các giải pháp của máy đã được Nhà nước xây dựng thành tiêu chuẩn PCCC Quốc gia; Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đã có văn bản gửi Cảnh sát PCCC các tỉnh, TP cả nước để hướng dẫn áp dụng máy này. Bộ KH-CN đã đưa vào chương trình trọng điểm quốc gia về KHCN năm 2012 và có thể lắp đặt cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đặc biệt, Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Thế giới WIPO đã xét nghiệm công bố giải pháp này đạt tính mới thế giới và nhận được sự đồng thuận của 147 nước. Hiện các sản phẩm máy chữa cháy được áp dụng tại trạm biến áp EVN (Thừa Thiên - Huế), Tập đoàn Dầu khí Thành Tài (Long An), Tập đoàn Công nghiệp Morito Nhật Bản (Đà Nẵng)... Kỹ sư Phương “tổng kết’ ưu-khuyết của chiếc máy chữa cháy hiện tại là thế hệ thứ tư với "bốn không" và "bốn được". Tức là: không cần bơm nước, không cần điện, không cần máy nổ và không ngủ (luôn tự động chữa cháy 24/24 giờ khi xảy ra sự cố). Và "bốn được": chữa được cho chất lỏng (xăng dầu, rượu), chất khí (gas), chất rắn và điện. Từ thành công về những thiết bị PPCC này, ông đã ra mắt sản phẩm độc nhất hoàn chỉnh “Xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh 1.500” vào ngày 28-8, dưới sự trực tiếp kiểm định của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC& cứu nạn cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an). Xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh 1.500 rất tiết kiệm nước. Là thiết bị chữa cháy không cần cung cấp năng lượng, không cần điện và máy nổ. Đặc biệt là chất tạo bọt chữa cháy AS-B không độc hại, không hư hỏng xăng dầu. Bình khí nén (230-250kg CO2/xe) đủ để đẩy 10m3 nước thành 15.000 m3 hơi nước/CO2/bọt; 1 lít CO2 hóa lỏng thành 500 lít khí CO2 và từ sức mạnh của CO2, 1 lít nước hóa thành 1.500 lít hơi nước. Thiết bị được ông Phương khắc phục thêm một số hạn chế của các xe chữa cháy thông dụng, như: kèm dây dẫn ô-xy bảo vệ lính chữa cháy và cứu người, đủ thiết bị cho 20-30 người dập nhiều đám cháy cùng lúc; không làm ẩm ướt tài sản, máy tính, tiền bạc ở những nơi dập lửa… Xe chữa cháy này đủ thiết bị cho 20-30 người cùng chữa cháy một lúc. Trực tiếm kiểm định Xe chữa cháy và cứu hộ An Sinh 1.500, Thượng tá Trần Văn Được, Phó giám đốc Trung tâm NCKH và tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC&cứu nạn cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC) cho biết: An Sinh 1.500 đặc biệt thích hợp bảo vệ khu dân cư, hầm mỏ, hải cảng, kho tàng xăng dầu hóa chất nhiều bồn bể. Một xe chữa cháy bình thường chỉ chở 3.500 lít nước nên ở những đám cháy lớn phải huy động nhiều phương tiện, gây khó khăn di chuyển, tắc đường, đặc biệt những vụ cháy trong hẻm. Bởi vậy, tính năng tiết kiệm nước của máy này giúp xử lý đám cháy lớn nhanh gọn, không cần nhiều phương tiện. Còn kỹ sư Phương cùng anh em trong công ty hoàn thành buổi ra mắt sản phẩm với một màn dập lửa hoành tráng chỉ trong…ba phút. Ông hỏi tôi “Đã “phục” thiết bị chữa cháy của An Sinh chưa? Rồi cười, “Thành công này là kết quả của nhiều đêm mất ngủ, là tâm huyết cả đời. Đó là tài sản lớn nhất của đời tôi cho đến bây giờ!” “Dị nhân” vô gia cư và “tỉ phú” không nhà Chức Giám đốc nghe ra rất oai, nhưng lại không tài sản, không nhà. Từ cầm cố đến bán sạch các tài sản để nuôi đam mê, nên giờ đây ông thành người ở trọ. Các thiết bị do ông sáng chế bán được cho các đơn vị sử dụng chỉ đủ chi phí đắp đổi cho đam mê và chăm lo đời sống cho 16 cán bộ công nhân viên của công ty và chăm sóc gia đình. Ông nói rằng những sáng kiến của mình không phải do đơn đặt hàng từ ai cả mà làm vì cuộc sống xanh. Rác, khói bụi, cháy nổ… đang là những nỗi lo của con người, đe dọa trực tiếp tới đời sống dân sinh, nên làm được gì giúp ích cho cuộc đời thì ông làm, vậy thôi. Những ý tưởng xuất phát từ các công thức hóa học của niềm đam mê nghiên cứu và cái đầu chưa bao giờ ngừng suy nghĩ. Kể cả đó là lúc ông thấy cuộc sống vô vàn khó khăn. “Nằm ở đâu mà nhắm mắt ngủ được là được, không quan trọng chỗ ngủ. Quan trọng là ngay trong khi ngủ và sáng mai thức dậy, ý tưởng ào đến và bắt tay vào làm ngay”. Ông ví von đời mình như thế, cũng không phải để làm gì mà đó là sự thật. Khi phải theo đuổi đam mê, thì phải đi đến tận cùng. Nói thì dễ, nhưng làm thì khó khăn vất vả không chừng. Nhưng nếu gặp kỹ sư Phương ngoài đời, thì ông dí dỏm và rất vui tính. Còn khi vào “guồng” các sản phẩm sáng kiến của ông, thì mọi thuật ngữ chuyên môn, các loại máy móc, thiết bị, ông đều ghi nhớ răm rắp từng thứ một. “Không là sai một li đi một dặm. Nghề của mình không sang mà lại phải làm sao cho mọi người phục, thấy được tiện ích, hiệu quả của sáng kiến mình làm ra, để họ đưa sáng kiến của mình vào sử dụng. Tôi làm việc theo bản năng sáng tạo và tự cuộc sống đặt hàng mình. Khi nào hết đam mê thì tôi sẽ dừng lại, nhưng chưa biết đến khi nào”. Ông chia sẻ vậy khi nói về những sáng kiến tiếp theo của mình. |