|
|||
Bỏ việc làm bạn với rác Tìm đến khu xử lý rác thải Hà Nam, nơi Lại Minh Chức đang làm việc, khác với hình dung của chúng tôi, ông giản dị và niềm nở. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về công trình khoa học của mình, ông nở nụ cười hiền hậu dẫn đi "mục sở thị". Ông sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Bình (Thanh Liêm - Hà Nam), tốt nghiệp Khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội). Năm 2008, kỹ sư Chức quyết định xin nghỉ việc khi đang là nghiên cứu viên tại Viện Kiến trúc nhiệt đới (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) để đầu tư trọn vẹn thời gian cho ý tưởng vừa định hình trong đầu. Tháng 11/2008, ông thế chấp toàn bộ tài sản gồm: ô tô, đất đai ở quê, thậm chí cả nhà của em gái ông cũng mượn đem đi thế chấp để lấy tiền đầu tư cho "giấc mộng" sáng chế máy phân loại rác thải. Có vốn, ông xin về làm việc tại nhà máy xử lý rác thải Hà Nam để thuận lợi cho việc nghiên cứu. Cả gia đình ở Hải Phòng, nhưng vài tháng ông mới về nhà một lần, hầu hết thời gian ông dành cho bản vẽ, các thiết bị sắt thép, con số tính toán, vòng bi, tĩnh điện…. Không có tiền thuê nhân công nên hơn 30 tấn sắt, thép với 80% công đoạn của 3 tổ hợp máy phân loại rác thải đều do một tay ông đảm nhiệm. Ông tâm sự: "Từ khi có ý tưởng, lúc nào tôi cũng muốn mau chóng hoàn thiện sản phẩm của mình. Tiếp xúc với rác thải nhiều, mỗi lần về thăm gia đình là lại mang cái mùi đặc trưng của rác nên vào đến cổng là ai cũng nhận ra". Sau gần 2 năm "sống chung với rác", công trình nghiên cứu của ông cũng cho "quả ngọt". Ông đã sáng chế thành công thiết bị phân loại rác thải gắn tự động điều khiển từ xa. "Có hôm mải mê với chiếc máy, bị ngã gãy cả xương bả vai, nhưng nghĩ đến cái công trình đang dở dang, tôi lại nén đau, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những chi tiết còn thiếu…", ông kể lại. Máy phân loại rác thải của ông Chức có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại máy đang được bán trên thị trường, đó là giúp giải phóng sức lao động cho con người trong môi trường độc hại. Thiết bị này được lập trình qua thiết bị số tự động, phân loại rác thành 7 nhóm phù hợp, mỗi nhóm đi qua một cửa riêng. Nhóm 1 là mùn hữu cơ dễ phân hủy có nguồn gốc động, thực vật; nhóm 2 là nylon màng mỏng và nhựa phế thải; nhóm 3 là rác thải mùn hữu cơ có nguồn gốc thực vật vụn; nhóm 4 là cát, sạn thủy tinh vụn; nhóm 5 là gạch đá vật liệu thô không tái chế được; nhóm 6 là sắt thép kim loại màu và đen; nhóm 7 là rác thải cá biệt có kích thước quá lớn, khó phân hủy… Đặc biệt là mỗi đầu ra đều được gắn camera theo dõi quá trình hoạt động của cả tổ hợp và được xử lý trên máy tính thông qua phòng điều hành. Để điều khiển hoạt động của cả một hệ thống chỉ cần 2 công nhân, trong đó 1 công nhân điều khiển và 1 công nhân nạp rác. Quy trình phân loại, xử lý đều được thực hiện trên dây chuyền khép kín nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh cho người lao động. Đạt loại xuất sắc Máy được thiết kế nhỏ gọn, hiệu quả, được tích hợp trong mô đun có diện tích 20m2 trong khi nhà máy Seraphin ở Sơn Tây (Hà Nội) chiếm diện tích khoảng 1.200m2; điện năng sử dụng chỉ bằng 30%; thay thế 100% lao động sử dụng trong công đoạn phân loại rác bằng tay. Công nghệ cho phép giảm từ 70 - 85% thể tích chôn lấp so với các công nghệ hiện có, giảm thời gian phân hủy, nhờ đó, tăng sản lượng và sớm thu hồi được khí gas, thu hồi mùn hữu cơ sinh học, giảm thời gian quay vòng hố chôn lấp hàng chục năm so với công nghệ hiện nay của các công ty môi trường. Tháng 11/2010, ông Chức cho chạy thử nghiệm tổ hợp máy phân loại rác thải rắn bằng công nghệ điều khiển tự động từ xa. Tháng 11/2011, ông đã bổ sung hoàn thiện chiếc máy với công suất 100 - 150 tấn rác/ngày. Cũng trong năm 2011, sản phẩm của ông đã được Hội đồng khoa học Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nam nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc. Trong tương lai không xa, sản phẩm của ông sẽ được tung ra thị trường, thay thế hàng trăm công nhân đang hàng ngày phải lao động trong môi trường nhiều độc hại. |