|
|||
Tuy nhiên, để phát triển và phát huy được hiệu của của ứng dụng CNC trong nông nghiệp rất cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của doanh nghiệp. Đây cũng là vấn đề được đưa ra bàn thảo tại diễn đàn “Ứng dụng công nghệ cao Phát triển Nông nghiệp nông thôn thông qua đối tác Công tư” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức tại Hà Nội mới đây. Công nghệ cao chưa hướng tới thị trường Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Nguyễn Văn Bộ cho biết, trong 20 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật, đảm bảo an ninh lương thực, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, trong đó nhiều ngành hàng đứng vị trí đầu như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, chè, thủy sản...Đặc biệt, đây là ngành duy nhất xuất siêu, góp phấn ổn định cán cân thương mại và giúp Việt Nam vượt qua các cuộc khủng khoảng kinh tế gần đây. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp luôn đứng trước các thử thách: “được mùa mất giá, mất mùa được giá”; trồng-chặt”.... Nhiều nông sản tăng sản lượng hàng năm, song gần như không tăng lợi nhuận cho người nông dân, đến mức Thủ tướng Chính phủ phải can thiệp để đảm bảo nông dân có lời, trước mắt ít nhất 30% trong sản xuất lúa gạo. Nguyên nhân của tồn tại này có nhiều, song nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính theo ông Bộ là chúng ta đã không tạo dựng được thị trường của riêng mình, mà trong đó các công đoạn tạo nên giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị nông sản hầu như đều nằm ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đó là công đoạn chế biến và xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhìn xa hơn có thể thấy, nông nghiệp CNC ở Việt Nam vẫn là sản phẩm của chính sách chưa phải là nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Công nghệ cao chưa hướng vào thị trường, chưa có sự phối hợp các “nhà”, chưa phát huy được thế mạnh, vai trò chủ đạo của doanh nghiệp hay những hạn chế nguồn lực cả về kỹ thuật và quản lý, những bất cập về đất đai, thuế, tín dụng... nên CNC trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn chưa được thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, vốn đầu tư vào những máy móc, thiết bị CNC đòi hòi nguồn tài chính khá tốn kém. Bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á lại cho rằng, các lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp chủ yếu là do nông dân tự đứng ra làm chủ hoạt động không hiệu quả, nhỏ lẻ với quy mô “cò con”. Vốn ít, áp dụng công nghệ cũ, sử dụng trang thiết bị thủ công, nhà xưởng chế biến và kho tàng cất giữ nông sản rất sơ sài, tạm bợ... Bên cạnh đó lại thiếu cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách ưu đãi hầu như không có hoặc nếu có cũng khó triển khai áp dụng. Cũng theo bà Hương, mặc dù nhiều năm qua nhà nước liên tục kêu gọi liên kết 4 nhà “nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, sự phối hợp này chưa tốt dẫn đến tình trạng phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch. Ở nhiều địa phương, do nông dân nôn nóng chạy theo các lợi ích kinh tế, tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí đất và nhiều tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt , nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu, do đó nếu đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNN khẳng định, trong những năm gần đây chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNC. Có một nghịch lý đang tồn tại với một đất nước nhiệt đới, 4 mùa cây trái xanh tươi nhưng vẫn phải nhập khẩu hoa quả, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp từ những nước ôn đới, có điều kiện khí hậu ngược lại hoàn toàn với Việt Nam. Mặc dù biết sản phẩm từ nông nghiệp tạo hiệu quả kinh tế cao nhưng vẫn chưa có dự án ứng dụng CNC tầm cỡ nào đầu tư vào lĩnh vực này. Để giải quyết ngịch lý này, theo bà Thái Hương cần có chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Để áp dụng CNC vào nông nghiệp nông thôn đòi hỏi Doanh nghiệp vào thực sự vào cuộc. Tuy nhiên, để làm được điều này, trước tiên Bộ nông nghiệp cần đề xuất với Chính phủ ban hành những chính sách khuyến khích và thí điểm trong vòng 3 - 5 năm để khích lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực này. Khi áp dụng CNC, phải đủ nguồn lực là đất đai, do đó, Nhà nước cần bàn giao cho doanh nghiệp ít nhất 70% đất sạch để thực hiện dự án. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đưa CNC vào nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bộ cũng nhận định, doanh nghiệp hiện nay rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà họ chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực ....để họ quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp. Quan trọng nhất là tạo điều kiện để nông dân góp quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp như mua cổ phiếu để họ yên tâm giao đất. Với đầu tư thiết bị, máy móc cần có chính sách ưu đãi về lãi suất, không tính theo năm mà chỉ tính theo mùa vụ sản xuất. Khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, họ sẽ là pháp nhân quan trọng trong việc định hướng thị trường, lựa chọn công nghệ và tìm nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Văn Bộ chia sẻ. Phương Hoàn – Ánh Tuyết |