|
|||
Còn nhiều thách thức ĐBSCL ngày càng khẳng định vị thế là vùng chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của cả nước. Hằng năm ĐBSCL đóng góp 22% GDP của cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò số 1 của quốc gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thủy sản, sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, toàn vùng đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, với nhiều tiềm năng lớn như vậy nhưng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, kinh tế tăng trưởng nhưng chưa ổn định và chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Nền kinh tế phát triển theo chiều rộng dựa vào thiên nhiên, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp. Bên cạnh đó, nông sản sản lượng hàng hóa trong thời gian qua chiếm tỷ trọng cao nhưng sản phẩm còn thô chưa dựa trên nền tảng công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và bảo quản tiên tiến, tác động tiêu cực của các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đối với môi trường sinh thái ngày càng cao, các nguồn ô nhiễm ngày càng nhiều…. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL – Trường Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, thiếu liên kết vùng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thách thức vùng ĐBSCL như: khai thác và quản lý tài nguyên bất hợp lý, phát triển kinh tế theo chiều rộng và dàn trải giữa các địa phương, ứng dụng KH&CN cho phát triển kinh tế và quản lý tài nguyên còn nhiều bất cập, đối mặt về biến đổi khí hậu… TS. Sánh lý giải, thời gian qua có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ĐBSCL, nhưng kết quả còn nhiều hạn chế và kém bền vững. Bời vì thiếu liên kết và hạn chế tổ chức tham gia “4 nhà” (nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học- nhà nông) dẫn đến các chương trình, dự án thiếu lồng ghép, thiếu đồng bộ, chồng chéo và thiếu tương hỗ nhau… Việc không hình thành một không gian kinh tế thống nhất, dẫn đến triệt tiêu nguồn lực giữa các địa phương và toàn vùng. Ngoài ra, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn thiếu và yếu, thiếu gắn kết giữa khu công nghiệp với vùng nguyên liệu, giữa khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước nên đã làm giảm hiệu quả phát triển. Theo nhận định của TS. Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nên có mục tiêu liên kết rõ ràng để khắc phục những nhược điểm của việc sản xuất theo nông hộ nhỏ. Trước đây cả nước cũng như vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều mô hình sản xuất tập thể như HTX, liên minh hợp tác, tổ liên kết hợp tác… nhưng đều gặp nhiều trở ngại do vấn đề quản lý trong các tổ chức này và nông dân không muốn xa ruộng của mình. Đồng tình với quan điểm trên, ông Diệp Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&CN Trà Vinh khẳng định, vấn đề liên kết bốn nhà là tối quan trọng đối với vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng lâu nay chúng ta mới dừng lại ở khẩu hiệu hoặc nghị quyết mà chưa thực sự có liên kết. Cũng theo ông Sơn, một trong những rào cản lớn nhất khi thực hiện vấn đề này là cơ chế chính sách về tài chính, đã đến lúc cần tháo gỡ và thực hiện một cách quyết liệt hơn. Theo số liệu thống kê của Bộ KH&CN cho thấy, giai đoạn từ 2010 đến 6 tháng đầu năm 2012 có 570 đề tài dự án được các sở KH&CN 13 tỉnh thành trong khu vực triển khai thực hiện. Tuy nhiên theo đánh giá kết quả đạt được chưa xứng tầm và chưa phát huy hết thế mạnh của vùng. Mặt khác liên kết vùng trong khu vực trong việc thực hiện đề tài dự án còn nhiều hạn chế, gây ra chồng chéo và lãng phí nguồn kinh phí.
Xây dựng nông thôn mới rất cần liên kết bốn nhà (Ảnh: DH) Nguyên nhân trên, theo Gs. Võ Tòng Xuân- Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Australia là do hiện trạng sản xuất ở ĐBSCL hiện nay phần lớn vẫn là mạnh ai nấy làm. Trong thực tế nhà nông thiếu vốn sản xuất, đất đai manh mún, phần đông kiến thức dựa vào kinh nghiệm là chính chứ không theo trường lớp chính quy nào; Các doanh nghiệp xuất khẩu thì không có thị trường đầu ra ổn định, không có vùng nguyên liệu, xuất khẩu phần lớn gạo không thương hiệu; Nhà nước thì để cho nông dân muốn trồng gì thi trồng, muốn bán cho ai thì bán, doanh nghiệp muốn mua nông sản của nông dân bằng cách nào cũng được. Kiểu quản lý tự do ấy dẫn đến hệ lụy là trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa với chất lượng không đồng đều về mẫu mã, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy GS Tòng kiến nghị, để tăng cường mối liên kết này cần có tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước đầu tư thực sự đích đáng cho nông thôn kiểu mới, tạo công ăn việc làm ở nông thôn, xây dựng cấu trúc hạ tầng, mở thị trường cho nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn, hạn chế áp dụng chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, đối với nông dân, cần có cơ chế đổi mới thích hợp để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp liên kết nhau trên cùng một địa bàn… Liên kết ở đây vừa là mức độ liên kết giữa các tỉnh với nhau để giải quyết bài toán cùng một môi trường cùng một khu vực phát triển kinh tế có những vấn đề nhu cầu chung về KH&CN nhưng còn nhu cầu lớn hơn nữa là để trở thành vùng sản xuất lớn thì sự liên kết giữa các tỉnh với các cơ quan trung ương để đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ và phát triển thành sản phẩm mới có tính chủ đạo của vùng này là vấn đề hết sức lớn, TS Hồ Ngọc Luật- Vụ trưởng- Trưởng ban KH&CN địa phương -Bộ KH&CN nhấn mạnh. Như vậy, để đẩy mạnh KH&CN tại Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần một cơ chế pháp lý rõ ràng trong liên kết, chỉ huy và phối hợp các nguồn lực phát triển, cần cơ chế quản trị cấp vùng. Một cơ chế liên kết vùng mà ĐBSCL đang cần nhất thiết phải phá vỡ thế lẩn quẩn hiện nay, tăng cường hơn nữa và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác. Diệu Huyền |