Bản in
Máy xử lý rác tự chế của Nguyên 'khùng'
Sau hơn hai năm nghiên cứu miệt mài, người nông dân có biệt danh “Nguyên khùng” đã tạo ra chiếc máy xử lý rác thải tự động trước sự thán phục của người dân trong làng.

Trong căn nhà nhỏ đầu hẻm, người đàn ông trung niên dáng gầy chất phác, mái tóc muối tiêu, nước da bánh mật, anh Ngô Thái Nguyên, 46 tuổi, sống ở làng biển Liên Hưng, xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá kể về tuổi thơ gian nan với nhiều thăng trầm.

 

 

Anh sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, đông anh em. Học xong cấp ba, anh thi đậu vào trường Trung cấp Y khoa Thanh Hóa (hiện là Cao đẳng Y khoa Thanh Hóa) và phải bỏ học dở chừng vì gia đình khó khăn. Năm 1987, Nguyên lập gia đình và kiếm sống bằng nghề thợ may, cơ khí rồi buôn bán đồ điện. Công việc không thuận lợi nên vào năm 1995, anh chuyển sang làm nghề trang trí nội thất và thiết kế hoa viên cây cảnh.

 

 

 

 

Không học qua trường lớp nhưng nhờ đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, anh Nguyên dần có chỗ đứng trong nghề. Nhiều người trong vùng biết đến như một nghệ nhân thực thụ. Công việc ổn định, anh có đồng ra đồng vào để nuôi cả 4 con học đại học, khiến hàng xóm ai cũng phải "tâm phục, khẩu phục".

 

 

 

 

Tuy nhiên, tình trạng rác tràn lan trên bờ biển trong xanh ở quê khiến anh Nguyên cảm thấy day dứt. Anh muốn chế tạo một máy xử lý rác để cải thiện môi trường của địa phương.

 

 

 

 

“Người dân làng biển quê tôi sống bằng nghề chài cá từ bao đời. Ngày nay việc đánh bắt ngày càng mở rộng, các xưởng chế biến thủy hải sản mọc lên quá nhiều khiến rác xuất hiện tràn lan", Nguyên nói.

 

 

 

 

Rác sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân cũng là yếu tố khiến cho vấn nạn ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng. Hơn nữa, hàng ngày người ta thu gom rác nhưng bản chất của công việc đó là gom rác chỗ này rồi đổ ở chỗ khác. Xử lý rác không triệt để nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm ở nguồn nước ngầm.

 

 

 

 

Đầu năm 2010, Nguyên bắt đầu thực hiện ý tưởng được cho là "điên rồ" mà anh đã ấp ủ nhiều năm. Từ thời điểm ấy, người ta bắt đầu gọi anh là "Nguyên khùng" vì không ai tin anh có thể thành công.

 

 

 

 

Nguyên bắt đầu mày mò từ công đoạn thiết kế mô hình, loay hoay với những thanh sắt, những viên gạch. Chủ của các cửa hàng cơ khí quanh vùng bắt đầu quen dần với hình ảnh “Nguyên khùng” suốt ngày hì hục bên đống sắt vụn với khuôn mặt hốc hác nhễ nhại mồ hôi và đăm chiêu. Đôi khi anh mất cả tháng cho nỗ lực thiết kế một chi tiết nhỏ xíu của máy.

 

 

 

 

Để giảm tối đa chi phí, anh tự làm chiếc máy ngay tại những xưởng cơ khí nhỏ trong xóm. Ban đầu hàng xóm và người thân không tin một nông dân chưa từng học ngành kỹ thuật có thể thực hiện được kế hoạch xa vời đó.

 

 

 

 

"Nhiều người thấy mình mất nhiều tiền bạc cho việc chế tạo máy đã buông lời đàm tiếu, chê gàn dở. Rồi vợ con nói vào nói ra, song với quyết tâm sẽ làm đến cùng, tôi bỏ ngoài tai mọi lời thị phi”, Nguyên nói.

 

 

 

 

Cuối cùng, mô hình máy xử lý rác thải cũng hoàn thành vào giữa năm ngoái. Chiếc máy hoạt động khá trơn tru, các công đoạn cũng không quá phức tạp. Rác được thu gom rồi chuyển về khu bồn chứa. Tại đây, một mô-tơ khuấy trộn sẽ trộn đều các loại rác. Những loại rác nhẹ như túi nilon, giấy, bao bì…khi khuấy trong bồn (có nước) sẽ nổi lên bề mặt và được hất lên băng chuyền tải về máy. Rác nặng như gạch, đá, sắt, thép lắng xuống đáy bồn và trượt theo máng ra mặt sàng. Còn loại rác như củ, quả, phân trâu sẽ lắng dưới đáy bồn trước khi chúng̃ được đẩy về hầm biogas.

 

 

 

 

Khi hệ thống máy hoạt động, rác từ bồn nước được băng chuyền tải về thùng máy. Chúng được băm bằng một hệ thống dao cắt thô rồi bị đẩy sang buồng dao cắt tinh rồi đùn ra ngoài. Sau khi qua hai hệ thống dao hỗn hợp của chiếc máy, tất cả các loại rác vô cơ sẽ được băm vụn. Tiếp đó, anh Nguyên dùng các loại rác băm vụn này trộn với đất rồi ủ làm phân để trồng cây. Thậm chí, anh còn dùng rác đã xử lý trộn với xi-măng, đá mạt rồi ép để làm gạch.

 

 

 

 

Sau khi hoàn thành, anh chạy thử máy với công suất 4,5 KW với đường điện dân sinh, nhưng trục trặc xảy ra vì điện yếu. Khắc phục điểm này, anh Nguyên quyết định đầu tư nâng công suất máy lên 8,5 KW, với nguồn điện 3 pha.

 

 

 

 

Theo tính toán của Nguyên, chiếc máy hoạt động một ngày 6 giờ đồng hồ sẽ xử lý được khoảng 10 m3 rác tổng hợp. Sau khi số rác ấy đã được máy xử lý, chỉ còn lại 1/4 khối lượng rác vụn hữu ích. Kết quả là chiếc máy chạy tốt trước sự chứng kiến đông đảo người dân.

 

 

 

 

Chủ nhân của sáng chế vẫn còn nhiều băn khoăn: “Tôi hy vọng một ngày không xa, chiếc máy này sẽ đi vào hoạt động chính thức, góp phần giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường ở quê tôi. Khi đó vùng biển này sẽ xanh sạch như thuở nào”.

 

 

 

 

Đánh giá về sáng chế của Ngô Thái Nguyên, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hải Bình không ngờ anh Nguyên lại làm được điều mà người dân xóm vạn chài không dám nghĩ tới.

 

 

 

 

"Chiếc máy xử lý rác của anh Nguyên có tính ưu việt cao. Địa phương cũng quyết định đầu tư cho dự án này một nguồn điện ba pha để máy hoạt động. Chúng tôi mong muốṇ cơ quan chức năng nhanh chóng thẩm định mô hình này để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương nếu nó hoạt động hiệu quả”.

 

 

 

 

Cụ Nguyễn Thanh Bình, một cán bộ quân đội nghỉ hưu đang sống tại xã Hải Bình, cho biết, nhân dân địa phương rất khâm phục tài năng và tâm huyết của anh Nguyên.

 

 

 

 

“Có ý tưởng đã quý nhưng dám bỏ hàng trăm triệu đồng và nhiều năm trời để tìm giải pháp môi trường thì không mấy người dám”, cụ Bình nói.