Bản in
Thu hút doanh nghiệp đầu tư CNC trong nông nghiệp
Hiện nay, chương trình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp. Để thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp, cần phải có bước đi phù hợp để thu hút sự tham giam của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đa số các đại biểu đều khẳng định như vậy tại tại diễn đàn chính sách về “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua đối tác công tư” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán Israel, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nhiều hạn chế

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PT NT, hiện nay, trên địa bàn cả nước đã bước đầu hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC như: mô hình sản xuất rau an toàn, trồng hoa cây cảnh tại TP.HCM, sản xuất nấm tại Vĩnh Phúc,…góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của một số sản phẩm nông nghiệp. TP.Hồ Chí Minh là nơi có khá nhiều mô hình ứng dụng CNC, có 1.663 ha trồng rau an toàn ứng dụng CNC, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, đặc biệt là diện tích rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị sản lượng 120 – 150 triệu đồng/ha; hơn 700 ha trồng hoa và cây cảnh, các hộ đã áp dụng CNC trong sản xuất hoa, cây cảnh đem lại thu nhập 600 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.

Tại Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình trồng hoa CNC, từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường hoa cao cấp của Hà Nội. Một trong những mô hình triển khai thành công là Công ty trách nhiệm hữu hạn Flora Việt Nam. Đến nay, mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp của Công ty đã triển khai nhân rộng trên diện tích 10.000 m2, với hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc đảm bảo trồng các giống hoa chất lượng cao.

Chị Bùi Bích Hường – Giám đốc công ty TNHH Flora Việt Nam cho biết: trồng hoa CNC là hướng đi khá mới mẻ ở nước ta, nhưng chúng ta lại có thị trường tiềm năng nên tôi đã quyết định triển khai mô hình này, trong đó chú trọng vào đầu tư công nghệ. Mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường hàng triệu cành hoa lan Hồ Điệp, lan Vũ nữ và hàng chục vạn bông ly, loa kèn, đem lại doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 100 lao động thường xuyên.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều hạn chế. Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng nông sản CNC của nước ta vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay như hoa Đà Lạt, sữa TH True Milk… Hiện cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng CNC là Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà lạt, Công ty TNHH Agrovina (Dalat Hasfarm) và công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH.

Nguyên nhân quan trọng khiến cho việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp chậm trễ theo  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho là do sự tham gia của các doanh nghiệp chưa mạnh mẽ. Điều này bắt nguồn từ thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch nên doanh nghiệp lo sợ rủi ro, “ngại” đầu tư. Trong khi đó, phần lớn các lâm trường quốc doanh, các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp có nguồn vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, nhà xưởng chế biến và kho tàng bảo quản nông sản sơ sài, tạm bợ nên hiệu quả sản xuất thấp. Ngoài ra, mối liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, hay hiện tượng thương lái ép giá nông dân…

Tạo cơ chế “mở” cho các doanh nghiệp

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 176/QĐ-TTg ngày 29/1/2010 về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đến năm 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là về nguồn vốn, đất đai, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thời gian qua Việt Nam luôn quan tâm đẩy mạnh việc nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa nền nông nghiệp nông thôn. Từ thực tế cho thấy, các khu nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt được thành công nên không được khuyến khích. Việt Nam chủ trương tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ cao và các vùng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sữa TH (TH True Milk), một trong 3 doanh nghiệp được chứng nhận ứng dụng CNC với sản phẩm sữa nhận định, phải tạo nguồn lực đất đai đủ lớn cho doanh nghiệp đưa CNC vào nông nghiệp. Đồng thời điều không thể thiếu là sự gắn kết, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và người dân địa phương.

Bà Hương cũng đề xuất, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có những chính sách ưu đãi đặc thù trong vòng 3 – 5 năm để khích lệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất. Cùng với đó, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về CNC trong nông nghiệp đối và áp dụng nguyên tắc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Phát triển nông nghiệp CNC không phải là vấn đề có thể thực hiện một sớm một chiều bởi khâu quản lý và triển khai theo quy hoạch chưa tốt, có nơi phát triển tự phát, hiệu quả sản xuất không cao, mô hình còn chưa phù hợp, chưa hướng được vào thị trường. Do vậy, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp cần có định hướng thị trường chiến lược cho các doanh nghiệp thông qua ký các cam kết quốc gia; đồng thời có chính sách ưu đãi thích hợp về đất đai, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực…

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 176/QĐ-TTg về Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2020; trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề án đặt ra mục tiêu trước mắt đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ 3 – 5 doanh nghiệp và từ 2 – 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hải Ngọc