|
|||
Bắt đầu từ những khảo nghiệm Hiện nay, các giống ổi trong nước được trồng chủ yếu ngoài sản xuất vẫn là các giống địa phương: ổi Bo, ổi Đông Dư, ổi mỡ, ổi đào... Chưa có nhiều những nghiên cứu điều tra tuyển chọn cụ thể đối với các giống này. Trong giai đoạn 2001 – 2005, Viện Nghiên cứu Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nghiên cứu, tuyển chọn và xác định các dòng, giống ổi có triển vọng có thể phát triển ra ngoài sản xuất như giống ổi trắng số 1 có kích thước quả lớn, thịt quả mềm, ăn giòn và có hàm lượng đường cao, hàm lượng chất khô lớn; dòng ổi đào 251 có nhiều ưu điểm về kích thước quả, năng suất đạt 34,7 kg/cây, và phẩm chất quả tốt. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam trong những năm qua đã nhập nội và khảo nghiệm một số giống ổi từ Thái lan, Malaixia, Đài Loan và đã có những giống đang được sản xuất chấp nhận như giống ổi Xá lỵ cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ đậu quả và năng suất cao, quả hình quả lê ổn định, thịt quả màu trắng dòn, hương thơm và vị ngon. Trong nhiều năm gần đây, Viện Nghiên cứu rau quả - Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành điều tra, thu thập được nhiều giống ổi từ nhiều vùng sinh thái khác nhau trong và ngoài nước. Các khảo nghiệm cơ bản đã được thực hiện và đã xác định được nhiều giống có triển vọng phát triển được ngoài sản xuất. Trên cơ sở đó, năm 2009 - 2011, Viện Nghiên cứu rau quả triển khai đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh ổi không hạt phục vụ phát triển sản xuất tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng” (thuộc Dự án Khoa học công nghệ nông nghiệp vốn vay ADB) do ThS. Đào Quang Nghị làm chủ nhiệm. Các giống ổi được khảo nghiệm tại Hà Nội và Thái Bình bao gồm: OTL, OĐL1, OĐL2. Trong các giống ổi được khảo nghiệm, đặc điểm về hạt của mỗi giống có sự khác nhau khá rõ: từ không có hạt (giống OTL), ít hạt, hạt mềm (giống OĐL1) đến ít hạt, và hạt cứng (giống OĐL2), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu rau quả đã xác định giống ổi OĐL1 triển vọng cho năng suất cao phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng Đồng bằng sông Hồng. ThS Đào Quang Nghị, chủ nhiệm đề tài cho biết: trong số các giống khảo nghiệm, Giống ổi OĐL1 có khối lượng to trung bình 295,8 gam, tỷ lệ hạt chỉ có 4,4%, quả hình trứng, cân đối, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện tự nhiên, sinh trưởng và phát triển mạnh, Năng suất trung bình đạt được của cây 3 năm tuổi trồng ở Thái Bình và Hà Nội là 24,1 kg/cây, bằng 150,6% so với giống đối chứng. Theo TS. Nguyễn Văn Dũng - Viện Nghiên cứu rau quả: xác định được biện pháp kỹ thuật nhân giống; xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc giống ổi không hạt sẽ góp phần mở rộng diện tích cho các vùng sản xuất, nâng cao năng suất 10 - 15% so với hiện tại, chất lượng tốt và hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20%. Hiệu quả kinh tế cao Tại các tỉnh miền Bắc, cây ổi từ lâu đã đã đem lại thu nhập không nhỏ cho người sản xuất tại một số vùng như Thái Bình, Hà Nội với giá mua của các thương lái tại ruộng từ 4-5 ngàn đồng/kg, tương đương thu nhập 7-8 triệu /sào, được đánh giá là tương đối cao so với nhiều loại cây ăn quả khác. Thời gian gần đây, một số giống ổi có nguồn gốc Trung Quốc, Đài Loan với những đặc điểm hình thái là quả to, ngọt, hạt mềm đã được người nông dân mua và trồng thử. Kết quả bước đầu đã cho thấy các giống sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, đem lại thu nhập rất lớn cho người sản xuất (từ 8-10 triệu/sào/ năm). Những giống này đã phát triển mạnh tại một số địa phương, có nơi diện tích lên tới hàng ngàn ha (Thanh Hà - Hải Dương). Tuy nhiên, ổi không hạt trên thị trường có giá bán cao hơn nhiều so với quả có hạt. Những loại quả không hạt chỉ được bán ở các siêu thị và cửa hàng lớn chứ không xuất hiện đại trà như các loại quả bình thường khác. Tiêu biểu như giống ổi OĐL1 cho sản lượng hơn 12 tấn/ha, với giá bán 20.000 đồng/kg cho lãi 176 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng đúng quy chuẩn kỹ thuật, giống ổi OĐL1 sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa và hoàn toàn thay thế các giống ổi có nhiều hạt hiện nay. Đề tài: “nghiên cứu tuyển chọn, nhân giống và kỹ thuật thâm canh ổi không hạt phục vụ phát triển sản xuất tại một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng” do Viện Nghiên cứu Rau quả chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu. Giống ổi OĐL1 được Hội đồng Bộ NN&PTNT công nhận là giống sản xuất thử. Thành công của đề tài sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân. TS. Cao Anh Long - trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết: Phát triển được giống ổi không hạt sẽ góp phần đa dạng hoá bộ giống ổi nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người sản xuất tại một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng phụ cận. Cây ổi là một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó, các địa phương cần có chính sách quy hoạch diện tích trồng cụ thể. Đồng thời kết hợp với Viện Nghiên cứu rau quả tuyển chọn bộ giống ổi ít hạt hoặc không hạt cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Ánh Tuyết |