Bản in
Nghiên cứu khoa học về biển Đông
Nhằm khai thác các nguồn lợi, bảo vệ môi trường, giúp ngư dân bám biển, xác định chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, các nhà khoa học Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực này

Dù còn nhiều khó khăn trong việc triển khai nghiên cứu khoa học liên quan đến biển Đông song trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu có nhiều nghiên cứu có giá trị.

Những nghiên cứu hữu ích

TS Đàm Đức Tiến, Viện Tài nguyên và Môi trường biển Việt Nam, cho biết rong biển đang là một trong những loài có nhiều triển vọng kinh tế. Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa biển Đông có nhiều loài rong biển. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về rong biển ở Trường Sa còn rất ít. Để có cơ sở khoa học trong việc khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên rong biển, các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã tiến hành nghiên cứu về nguồn lợi rong biển quần đảo Trường Sa và đạt được nhiều kết quả khả quan. 

Tại 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các nhà khoa học đã xác định được 255 loài rong biển thuộc 4 ngành. Căn cứ theo giá trị sử dụng của từng loài, họ đã phân loại rong biển tại đây thành 6 nhóm làm nguyên liệu chế biến, cụ thể như sau: Carrageenan, agar, dược liệu, thực phẩm, phân bón và rau xanh. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại quần đảo Trường Sa có 62 loài rong có giá trị kinh tế, trong đó một số loài có trữ lượng tự nhiên rất cao.

Ngay từ năm 2008, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã bắt đầu triển khai dự án chế tạo chùm vệ tinh nhỏ nhằm giám sát tàu biển lưu thông trên biển Đông. Dự án được triển khai nhằm giúp sử dụng vệ tinh do Việt Nam chế tạo để tiến hành giám sát, quản lý tàu biển đi lại trên biển Đông, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn các vụ xả dầu bất hợp pháp, hỗ trợ ngư dân đi lại, khai thác nguồn lợi thủy hải sản… Dự án sẽ xây dựng trạm điều khiển vệ tinh dưới mặt đất để thu dữ liệu vệ tinh, viết phần mềm thu thập và xử lý dữ liệu tàu biển... Dự kiến trong tháng 7 này, vệ tinh của FPT sẽ được phóng lên vũ trụ, bước đầu hiện thực hóa dự án nghiên cứu này.

Quản lý, phát triển kinh tế biển

Từ năm 2011, GS-TS Trần Nghi, Trung tâm Biển và đảo thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, đã cùng nhiều nhà khoa học bắt đầu triển khai đề tài “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”. Nghiên cứu này sẽ giúp xây dựng tập bản đồ phân vùng chức năng biển đảo Việt Nam, làm cơ sở khoa học phục vụ nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và môi trường vùng biển đảo, đặc biệt là vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Nghiên cứu nói trên cũng sẽ tạo cơ sở khoa học cho việc bảo vệ chủ quyền, đàm phán thực hiện luật khai thác chung giữa các quốc gia có biển tranh chấp, xây dựng nên hệ thống các cơ sở dữ liệu hải dương học, nghề cá hoàn chỉnh, cho phép đánh giá và dự báo ngư trường theo công nghệ tiên tiến phục vụ quản lý khai thác hợp lý nguồn lợi hải sản xa bờ…

Nghiên cứu biển Đông bằng công nghệ GIS

ThS Nguyễn Thanh Điệp, Học viện Hải quân Nha Trang, cho biết hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) đã phát triển rất rộng rãi trong những năm gần đây. Hiện các nhà chuyên môn đã ứng dụng công nghệ này vào nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý và nghiên cứu biển. Với GIS, chúng ta có thể thực hiện vẽ bản đồ biển Đông và các vùng biển Việt Nam, xây dựng mô hình dự báo nguồn cá khai thác phục vụ đánh bắt xa bờ, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển…

Công nghệ GIS đã trở thành công cụ trợ giúp quyết định trong hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối phó với thảm họa thiên tai… của nhiều quốc gia trên thế giới. TS William B. Wood, Giám đốc Văn phòng Nhà Địa lý và các vấn đề toàn cầu, Cục Tin tức và Nghiên cứu - Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng “GIS chính là một công cụ cho các cuộc đàm phán lãnh thổ hiện nay”.