Bản in
Người mẹ khó tính của cây trái miệt vườn
Tìm trên Google, tên của nhà khoa học này gắn với những giống thanh long đặc sản. Thế nhưng, lĩnh vực thực sự mà bà cùng đồng nghiệp đeo đuổi lại là lai tạo và thuần chủng các loại cây có múi, đặc biệt là những giống mới có khả năng chống chịu hạn, mặn. Bà là trưởng bộ môn chọn và tạo giống, viện Cây ăn quả miền Nam – ThS Trần Thị Oanh Yến.

Tiểu thư xuống đồng

Đảm nhận một vai trò quan trọng đối với việc chọn và tạo giống cho vùng trồng cây ăn trái trọng điểm của Việt Nam – đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khi được hỏi về lý do chọn nghề làm giống, ThS Oanh Yến chỉ cười: “Chắc là cơ duyên”. Nhà ở thị xã Vĩnh Long, xưa nay chả biết gì đến cày cuốc, vậy nên một hôm thông báo của cô con gái khiến ba mẹ sửng sốt: cô vừa đậu vào khoa trồng trọt đại học Cần Thơ. Sau đó bắt đầu những ngày cô gái học xa nhà, những chuyến lên nông trường phơi nắng để làm quen với nghề nông, để không nhổ lộn giữa lúa và... cỏ. Vậy mà phải mất đến mười năm sau khi ra trường, cô kỹ sư mới biết thế nào là niềm vui của nghề làm giống chuyên nghiệp khi tuyển chọn được giống cam mật không hạt, được cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) công nhận là giống cây trồng mới để sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL. Đó là thành quả của ThS Oanh Yến cùng các cộng sự sau sáu năm khảo sát, đánh giá và: “Cả nhóm nhảy cẫng lên khi trái cam được bổ ra, mang những phẩm chất đúng như mong đợi: chất lượng quả ngon, thịt quả màu vàng tươi, năng suất khá cao (20 – 30kg/cây/năm ở cây 4 – 5 năm tuổi) đặc biệt là cây có khả năng thích nghi với điều kiện ĐBSCL và vùng cao”. Hai năm sau, loại cam quý này được đưa vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Với những người trẻ theo nghề làm giống chuyên nghiệp, khởi đầu như vậy thực sự là một kỳ tích bởi: “Cũng như chăm con mọn, phải luôn để mắt theo dõi khi nuôi nấng, lớn hơn tí thì bắt đầu uốn nắn từ từ. Tạo ra một giống cây, để ghi nhận được có thành công hay không phải chờ tới 15 năm, riêng cây có múi thì có khi trên 20 năm và có những quy trình không thể đốt cháy giai đoạn được”. Nhìn bảng thời gian biểu mới thấy sự dụng công của nhà khoa học. Ở đó, những thông số sinh trưởng, kỹ thuật canh tác, thời gian trồng khảo nghiệm, tỷ lệ hoa, phẩm chất trái… được ghi lại đầy đủ theo định kỳ. Có những mốc thời gian cho thấy, họ phải túc trực lúc 2 – 3 giờ sáng canh hoa nở để thụ phấn: “Có khi, làm việc đến giữa đêm, hồi hộp bổ quả cam giống mới với loài cam trồng để đối chứng, đếm hạt và phát hiện mình đang đi đúng hướng, tự dưng cơn buồn ngủ bỗng nhiên tiêu tan”.

Cũng với lịch làm việc ấy mà trong năm 2010, ThS Oanh Yến cùng các đồng nghiệp tiếp tục đón nhận thêm niềm vui khi liên tục các giống mới được công nhận như: bưởi đường lá cam ít hạt, cam sành không hạt, thanh long ruột đỏ, thanh long ruột tím hồng… Trong đó, giống thanh long ruột tím hồng năng suất gần 22 tấn/ha được hội đồng công nhận giống của cục Trồng trọt công nhận là giống cây trồng mới để sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ…

Xa dân là “thua”

Bề ngoài hiền hậu, điềm tĩnh nhưng ThS Oanh Yến lại tự nhận mình là người cực kỳ khó tính. Đó là cam kết của một “người mẹ” xác lập đối với những “đứa con” – những giống cây ăn trái do mình dày công tạo ra. Bởi: “Làm mẹ thì mới biết tính nết, khả năng của con từ đó dạy dỗ phù hợp. Là người làm ra giống, phải luôn tự đòi hỏi mình luôn khó tính trong việc chọn giống”. Thực ra, đó là yêu cầu bắt buộc đối với nông sản Việt Nam khi đã bước vào cuộc chơi toàn cầu hoá. Tuy nhiên, có một yêu cầu chẳng đặng đừng, là “thử thách” của thiên nhiên đối với nghề trồng trọt.

“Có sống cùng, có lăn lộn với ruộng vườn thì mới biết nông dân đang mong muốn điều gì ở mình. Làm khoa học mà xa với nhu cầu của dân thì thua”.
                                                                                                 ThS Trần Thị Oanh Yến

ThS Oanh Yến tránh dùng từ “cuộc chiến” với biến đổi khí hậu, mà điềm đạm dùng từ “thích ứng”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây tình trạng khô hạn, xâm mặn, sâu bệnh… tác động xấu đến việc sản xuất cây ăn trái, đòi hỏi phải có những giống cây trồng thích ứng được với quy luật tự nhiên này. ThS Oanh Yến cho biết: “Đã có hàng ngàn hecta cây trái bị chết do úng ngập hay khô hạn, sản lượng và chất lượng bị giảm do sâu bệnh gây ra.

Đã có những khoản tiền hỗ trợ cho nhà vườn vì sự cố trên. Tuy nhiên về sâu xa, trong quy trình sản xuất cây ăn quả cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, và sự vào cuộc của khoa học liên ngành. Và đây là một cuộc chạy đua với thiên nhiên mà những người làm khoa học có liên quan như tôi không được phép trễ nải”. Nữ khoa học gia lý giải thêm, tình trạng xâm mặn vẫn diễn ra hàng ngày trong khi làm ra được giống cây ăn trái chậm nhất cũng mất năm, bảy năm: “Yêu cầu bức xúc là lai tạo giống cây ăn trái chống chịu hạn, mặn. Tuy ĐBSCL là vùng trù phú về trái cây nhưng chúng tôi chỉ mới có thể tiến hành trên một số loại cây như có múi, xoài nhãn bằng phương pháp chọn tạo gốc ghép”. Đó là cách nói thận trọng của nhà khoa học bởi những khó khăn trong việc thu thập cá thể chịu hạn, mặn.

Tuy nhiên, ThS Oanh Yến tin tưởng vào đội ngũ của mình. Đơn giản, vượt qua khó khăn về kinh phí, họ có niềm say mê với công việc, có tinh thần học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài: “Ở nước ngoài, lịch sử làm giống đã rất dài và mình phải học hỏi nhiều. Tuy nhiên chúng tôi có cùng mục tiêu hướng đến là những giống cây, những quy trình tốt nhất. Vì vậy từ bộ môn chọn giống đến công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch… đều vào cuộc. Trước mắt, bộ phận phát triển nghề vườn có vai trò tư vấn cho nông dân về việc canh tác, phòng trừ sâu bệnh. Kế đến là đưa những giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất. Những giống thanh long mới trồng được ở kiểu khí hậu khô hạn, lại đang được giá có thể coi là những tín hiệu vui đầu tiên”.

Điều trăn trở nhất trong công việc, theo ThS Oanh Yến là việc giữ gìn và phát huy phẩm chất của những loại cây trái đặc sản miệt vườn để cạnh tranh với cây trái ngoại nhập. Muốn vậy, phải đầu tư vào người nông dân và bảo đảm được quyền lợi của họ. “Có sống cùng, có lăn lộn với ruộng vườn thì mới biết nông dân đang mong muốn điều gì ở mình. Làm khoa học mà xa với nhu cầu của dân thì thua”, ThS Oanh Yến nói.