Bản in
Người tiếp sức cho cây lúa đồng bằng
Nhà khoa học ấy có một tình yêu mãnh liệt với cây lúa. Bà lặn lội khắp trời Tây nhằm tìm câu trả lời làm sao để tiếp sức cho cây lúa đồng bằng. Rồi khi về nước, không chỉ là người “làm lúa” chuyên nghiệp với 3 – 5 giống lúa/năm, bà còn đảm nhận trọng trách chủ trì chương trình chọn giống cho biến đổi khí hậu. Bà là GS.TS Nguyễn Thị Lang, trưởng bộ môn di truyền và chọn giống, viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Chức vụ và thách thức

Quệt những giọt mồ hôi vương trên trán sau chuyến thăm ruộng, GS Lang hồn hậu: “Làm khoa học khi đã dấn thân thì khó dừng lại lắm. Cũng giống như cuộc đua mà mỗi lần cán đích lại phải đặt ra mục tiêu mới để vượt qua, để không lặp lại chính mình. Trọng trách trong khoa học càng cao thì càng nhiều đích đến, càng nhiều thách thức để vượt qua”. Nhìn vào bản báo cáo đề tài “Phát triển giống lúa chịu hạn bằng phương pháp dấu chuẩn phân tử”, “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa xuất khẩu cho đồng bằng sông Cửu Long”, “Nghiên cứu biến động di truyền giống lúa chịu ngập tại Việt Nam”… dễ hình dung khối lượng công việc đồ sộ của GS Lang cùng cộng sự. Nhà khoa học mô tả: “Mất 5 – 10 năm mới làm được một giống lúa. Trước đó phải có chương trình lai cụ thể, chọn giống nào làm bố – mẹ có khả năng phối hợp chung cao mới ra con lai khả thi. Cứ 200 – 300 cặp lai mới tìm được một cặp lai tốt”.

Đó là cách nói tóm tắt nhất về công việc làm giống, một quá trình “thai nghén” dài đằng đẵng. Ngoài việc giải những bài toán di truyền, ước đoán hệ số di truyền, tìm chỉ thị phân tử, đo gen lặn gen trội… tại phòng thí nghiệm thì thời gian còn lại nhà khoa học phải nhập vai nông dân. Cũng lội sình, thăm ruộng nhưng mỗi chuyến thị sát lại phải nghe thật kỹ kinh nghiệm canh tác của người dân, đo thật chính xác các chỉ số nông học trên đồng ruộng, ghi chép thật cụ thể tình hình giống, vụ hay sâu bệnh tại địa phương đó. Trả lời câu hỏi làm thế nào để ra 3 – 5 giống lúa/năm, GS Lang lý giải: “Phải chọn giống gối đầu. Muốn ra giống cho năm năm tới thì năm nay phải bắt tay làm chương trình lai rồi. Từ thế hệ F0 đến F1, F2, F3… cứ mỗi thế hệ tương đương một vụ, khi chọn tới F8 mới so sánh sơ khởi giống lúa đó”. Chưa hết, khi hạt lúa đã thành hình, công việc lại tiếp diễn với giai đoạn mới là khảo nghiệm. Kết thúc ba vụ khảo nghiệm, nếu tốt, giống lúa mới được đề xuất sản xuất thử, nếu không sẽ bị loại bỏ. Thời ăn ngon, mặc đẹp, nhu cầu của thị trường liên tục “đặt hàng” nhà khoa học về những giống hạt dài, hạt tròn, hạt màu, dẻo, thơm… “Điều đó thúc giục chúng tôi phải liên tục nhón gót, với tay. Tạo giống lúa có phẩm chất tốt liên quan tới hạt dài, ít bạc bụng là ưu tiên số một, kế đến là mùi thơm, hàm lượng dinh dưỡng cũng là mục tiêu cần quan tâm”, GS Lang cho biết.

Cho lúa đơm bông

Đến nay, có thể xem GS Lang là người làm ra nhiều giống lúa nhất nước với hơn 50 giống được đưa vào sản xuất. Công việc ấy vẫn tiếp tục, thế nhưng nhà khoa học đang chọn một hướng đi mới là đương đầu với thiên nhiên khi đảm nhận vai trò chủ trì chương trình chọn giống cho biến đổi khí hậu. GS Lang lý giải: “Trong kinh tế người ta hay nói đi trước đón đầu thị trường, với nghề di truyền và chọn giống, ngoài nắm bắt nhu cầu thị trường thì trong bối cảnh hiện nay cũng cần tiên lượng tác động của thiên nhiên đến hoạt động sản xuất”. Công việc ấy bắt đầu từ thực tế, dù có lợi thế về đất đai và thuỷ lợi nhưng vùng đất này đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Đó là nếu nồng độ mặn tăng cao thì sự tăng trưởng của cây lúa gần như chựng lại, nếu kéo dài lúa sẽ chết. Đặc biệt vùng bị nhiễm mặn sẽ không canh tác cây rau, cây màu được và đất bị nhiễm mặn kéo dài sẽ bị suy thoái và bạc màu, hệ sinh thái nước ngọt sẽ bị thay thế bằng hệ sinh thái nước lợ và nước mặn. “Cần lường trước tình huống xâm mặn, hạn hán để tạo ra những giống lúa chịu mặn, chịu ngập và chịu hạn”, GS Lang khẳng định.

Trên thế giới, mặc dù giống lúa chống chịu ngập sâu đã được phát triển nhưng chúng vẫn chưa được chấp nhận một cách rộng rãi do nghèo năng suất và chất lượng gạo thấp. Trong khi đó, khai thác tính chống chịu ngập của giống lúa địa phương, tiếp sức bởi phẩm chất trội của giống lúa cải tiến sẽ lai tạo ra những giống mới thích nghi với biến đổi khí hậu. Từ chương trình hợp tác với viện Lúa quốc tế, với Úc, Hàn Quốc và chương trình quốc gia, nhiều giống lúa như vậy đã được tạo ra như: OM 4900, 9922, 8927. Đặc biệt, giống lúa ngắn ngày, chống khô hạn OM 7347 trồng tại Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) đạt năng suất 9 tấn/ha.

Giống lúa mới cho thời biến đổi khí hậu diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên điều mà GS Lang lo lắng là nhân lực cho lĩnh vực này rất mỏng. Tạm bỏ qua chuyện tiền bạc thì việc đầu tư thời gian, khổ công học hỏi, sự dấn thân là thách thức quá lớn với nhiều người trẻ. Và GS Lang cũng từng là một người trẻ như thế. Đó là quãng thời gian chân ướt chân ráo tới Viện lúa quốc tế ở Philippines và trụ ở đấy năm năm. Về nước không lâu, bà lại sang Nhật một năm nhằm xây dựng bản đồ di truyền. Sau đó lại mất thêm ba năm ở Philippines học kỹ thuật phân lập gen… rồi những chuyến công tác dài ngày để tự hoàn thiện vốn liếng ngành di truyền và chọn giống mình đeo đuổi. Trong đầu cả một rừng kiến thức, vậy mà không ít lần bà thất thần nhìn lúa giống chết khi mới thành phôi. Rồi cũng có những nghịch lý khoa học như sự thăng trầm của giống lúa OM 4900. Không được đánh giá cao ở Việt Nam lúc khảo nghiệm, tuy nhiên khi gửi sang viện lúa Quốc tế, OM 4900 lại nổi đình nổi đám với dân làm lúa, được đón nhận ở châu Phi và sau đó mới “bay” về nước sản xuất. Đó còn là nghịch lý những đứa con do mình tạo ra bị thay tên, đổi họ thành những cái tên thật kêu nhưng “hộ khẩu” là ở một công ty X nào đó…

Cũng may những lúc như vậy nhà khoa học tìm ra cách giải toả nỗi buồn là viết ra giấy: “Hôm nay mình rất buồn…”, “Thư gửi con…” với những dòng chân chất như hạt lúa đồng bằng, để rồi ngày mai lại bắt tay vào công việc làm giống.