Bản in
Xác định chất lượng vàng bằng thiết bị phổ kế huỳnh quang tia X
Khởi phát ý tưởng từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, qua nhiều bước cải tiến và nâng cấp, máy phổ kế huỳnh quang tia X do nhóm tác giả của Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chế tạo là thiết bị phân tích, xác định tuổi vàng, và phát hiện các tạp chất trong hợp kim vàng có độ tin cậy cao. Công trình đã được nhận giải nhì giải thưởng sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2011.

Quay trở lại dịp cuối năm 2010, tại Hà Nội và một vài địa phương, lợi dụng các cơn "sốt vàng" đã xuất hiện loại vàng pha trộn bột kim loại "siêu nặng". Thủ đoạn "móc túi" người tiêu dùng đó đã bị phát hiện nhờ thiết bị phổ kế huỳnh quang tia X do các nhà khoa học Viện Khoa học Vật liệu chế tạo, sản xuất. Qua phân tích, giám định bằng phổ kế huỳnh quang tia X, đã phát hiện trong mẫu vàng của một số tiệm vàng mang đến có trộn lẫn hỗn hợp ba nguyên tố Osmi (Os), Iriđi (Ir) và Rutheni (Ru).

Tiến sĩ Lê Quang Huy, trưởng nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Vật liệu cho biết: Ý tưởng đã có từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước nhưng nhóm nghiên cứu bắt tay triển khai, thực hiện từ đầu những năm 90, kể từ sau khi Nhà nước có chủ trương cho phép các tổ chức và cá nhân được kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Ban đầu là thiết bị đo tỷ trọng để xác định tuổi vàng (lúc đó gọi là máy tỷ trọng), song nhận thấy độ chính xác chưa cao, các nhà khoa học chuyển sang nghiên cứu, chế tạo hệ máy phổ kế huỳnh quang tia X. Thiết bị này có đầu thu tia X được chế tạo bằng vật liệu bán dẫn Si và làm lạnh bằng Ni-tơ lỏng, có nguồn kích thích mẫu là đồng vị phóng xạ để xác định tuổi vàng. Phương pháp xác định tuổi vàng bằng máy phổ kế huỳnh quang tia X (lần đầu được lắp đặt tại hiệu vàng Kim Quy, phố Hàng Bông, Hà Nội). Không lâu sau đó đã được thị trường vàng trong nước thừa nhận và tin dùng, bởi độ chính xác, thời gian phân tích nhanh, đồng thời thích hợp cho nhiều loại mẫu (các mẫu đặc, rỗng với các hình dạng khác nhau).

Chưa hài lòng, vì lẽ thiết bị vẫn cồng kềnh, bất tiện khi phải vận chuyển đến các địa phương vùng cao, vùng xa. Mặt khác, làm sao để cạnh tranh được với các thiết bị đo, kiểm tra tuổi vàng của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam là những lý do thôi thúc nhóm nghiên cứu tập trung cải tiến nâng cao cả mẫu mã và chất lượng phần cứng, phần mềm của thiết bị phân tích định lượng. Với hệ thiết bị mới đã được cải tiến đáng kể, có hình thức gọn nhẹ, sử dụng đầu thu tia X làm lạnh bằng điện; đáp ứng yêu cầu cơ bản về độ chính xác, thời gian phân tích nhanh (từ 30 giây đến 90 giây tùy mẫu vàng); sử dụng phần mềm điều khiển bằng tiếng Việt, với số nguyên số có thể phân tích định lượng ngày càng nhiều hơn, chính xác hơn, trong khi giá thành hợp lý (bằng 50 đến 70% so sản phẩm nhập khẩu). Ðáng chú ý, thiết bị mới có sự kết hợp các công nghệ cao như công nghệ bán dẫn, điện tử hạt nhân, điều khiển tự động hóa, tính toán định lượng thành phần hợp kim nhiều nguyên tố. Trong điều kiện nước ta ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở chế tác vàng, bạc (phần lớn là đồ trang sức) theo các công nghệ khác nhau, lại chưa tuân theo một quy chuẩn chất lượng thống nhất và có tuổi vàng thay đổi lớn (từ khoảng 30% đến 99,99%)... thì  việc nghiên cứu và chế tạo ra hệ máy mới XRF2500-12LC, như các nhà chuyên môn đánh giá là đáp ứng nhu cầu đặc thù của thị trường kinh doanh vàng, bạc và chế tác đồ trang sức Việt Nam. Nhất là khi đường truyền in-tơ-nét phát triển rộng khắp, nhóm tác giả chế tạo có thể trợ giúp kỹ thuật cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa phát hiện ngăn chặn sự gian lận tuổi vàng một cách kịp thời.

Từ thành công của việc chế tạo thiết bị XRF2500-12LC, nhóm nghiên cứu đang thiết kế, chế tạo loại máy XRF5006-HQO2 có cấu hình cao hơn để phục vụ việc phân tích nhanh định lượng thành phần các loại vật liệu: quặng sắt Phú Yên, Ilmenit Thái Nguyên, Bauxit Tây Nguyên và các vật liệu phế thải gây ô nhiễm môi trường từ các cơ sở công nghiệp trong cả nước...