Bản in
“Cận cảnh” những sáng chế giải phóng sức lao động nhà nông
Vụ mùa này, người dân tỉnh Đắk Nông, Bình Dương… không còn nơm nớp nỗi lo thiếu nhân công gieo hạt, còn bà con nông dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang không phải lên rừng lấy nứa vất vả cực nhọc như trước… Những sáng chế từ ruộng đồng, từ thực tế lao động đang góp một phần dù chưa phải là lớn nhưng hết sức tích cực vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn.

 

Từ những giọt mồ hôi…

Để có đượcchiếc máy gieo hạt bằng khí nén với nhiều tính năng ưu việt, anh Phạm Tú Anh Vũ (quê ở Đắk Nông) đã lặn lội vào tận huyện Củ Chi (TP.HCM), nơi có những cánh đồng lớn rộng hàng ngàn héc ta, xem nông dân trồng và thu hoạch hoa màu để về chế tạo máy cho phù hợp. Quyết tâm hùn hết tiền lương để nghiên cứu, cứ ngày đi làm, tối về lại sống với “tiếng cưa, tiếng búa”, nhưng đến khi ra được chiếc máy đầu tiên đưa vào thử nghiệm lại không hoạt động như mong muốn, hạt giống bị đánh tơi nát cả, mà muốn làm lại máy thì cũng không thể vì hết tiền. Công cuộc kiếm tiền làm lại máy khác lại tiếp tục, và cho đến tận 2 năm sau lần thất bại đầu tiên anh mới thành công với chiếc máy gieo hạt bằng khí động học.
Anh Vũ chia sẻ, ý tưởng chế tạo máy nông nghiệp có từ những năm học cấp 2, nhưng phải cách đây gần 4 năm anh mới có điều kiện triển khai. Lúc còn ở quê, anh luôn chứng kiến cảnh mỗi lúc đến mùa vụ, nông dân rất vất vả với việc gieo trồng, thu hoạch do không có máy móc hỗ trợ, chủ yếu dùng sức người để làm nông nghiệp. Nỗi vất vả còn tăng thêm khi hiện nay lao động nông nghiệp ở vùng nông thôn đã đi vào các thành phố lớn làm ăn gây ra tình trạng thiếu hụt lao động khi vào mùa vụ, chi phí trả cho nhân công lao động trong những ngày mùa khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.
Còn với nông dân Bùi Văn Dự ở xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang, trong những lần lên Chiêm Hóa, Tuyên Quang khai thác nứa, thấy bà con ở đây có cái máy lột nan cọ, ông luôn trăn trở làm sao để có một con dao chẻ một lần được 10 cái nan và có cái máy lột nan nứa như máy lột nan cọ để làm cho nhanh, đỡ vất vả. Những ngày đầu năm 2005, ông bắt đầu thực hiện giấc mơ của mình. Việc đầu tiên ông làm là đến thợ rèn đặt rèn một lưỡi dao dài 50cm, rộng 5cm, cắt thành 10 đoạn, hàn chụm với nhau theo kiểu các “đường tròn” chụm lại ở tâm. Đầu ngoài hàn liền vào một vòng sắt kiểu “bánh xe cải tiến” và bên ngoài đai sắt hàn hai đoạn ống sắt tròn đối xứng làm tay cầm.
“Làm xong, tôi đem dùng thử. Thật bất ngờ, đúng là một lần chẻ được 10 cái nan từ một khúc nứa ống mà trước kia phải chẻ 10 lần mới xong, nan nào cũng bằng nhau. Căn cứ vào các cỡ to nhỏ, tôi lần lượt làm các cỡ dao từ cỡ 9 nan đến cỡ 17 nan. Mỗi lần làm xong, tôi đều thông báo với bà con anh em làng xóm đến xem, mọi người đều thích. Ước mơ có một con dao chẻ một lần được nhiều nan nứa đã đạt được, nhưng ước mơ có một chiếc máy lột nan nứa lại khó khăn hơn nhiều”, ông Dự chia sẻ.
Ông Dự cho biết, ban đầu, ông tự mua vật tư chế tạo một máy giống máy lột nan cọ, nhưng khi đem vào sử dụng thì máy không hoạt động được vì nan cọ không có mấu, còn nan nứa thì có mấu ở trong ruột cây nứa. Sau nhiều lần tìm tòi, sửa đi sửa lại, ông đã nghiên cứu sáng chế ra bộ phận tự động điều chỉnh đĩa sắt và lô con, khi gặp mấu nứa thì tự động đè xuống cho mấu nứa đi qua rồi lại tự động nâng lên, giữ liên tục quá trình lột nan…
 

 

Hiệu quả trông thấy

Hiện nay, máy gieo hạt của anh Vũ đang thực hiện việc gieo hạt trên nhiều đồng ruộng ở tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước, Bình Dương và thậm chí đã xuất sang cả một số nước láng giềng như Lào, Campuchia… Máy hoạt động theo nguyên tắc khí động học, gieo đa năng liên hoàn bao gồm cày rãnh, gieo hạt, lấp đất. Do hạt được gieo bằng khí thổi nên không bị trầy xước, không vỡ hạt, tỷ lệ nảy mầm không thua so với gieo theo phương pháp thủ công.
Anh Vũ đưa ra so sánh, nếu gieo đậu phộng thì 1ha mất khoảng 20 công lao động/ngày, gieo đậu tương mất khoảng 15-17 công lao động/ngày, gieo bắp mất khoảng 12-14 công lao động/ngày, trong khi 1 chiếc máy có thể gieo được 1,5-2,5 ha/ngày tuỳ từng loại hạt. Hiện tại, anh đã cùng một số bạn học lập ra xưởng chế tạo tại khu dân cư Bình Chuẩn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Còn ông Dự hồ hởi khoe, lúc đầu, máy của ông chỉ tính dùng trong gia đình, nhưng bà con thấy máy có hiệu quả kinh tế, tiện lợi nên đã đặt hàng, mua máy. Đến nay, ông đã sản xuất được 15 chiếc máy bán cho 14 gia đình trong thôn. Với 1 bộ dao chẻ nan nứa và 1 máy lột nan, 1 lao động làm trong một ngày bằng 80 lao động trước đây làm trong một ngày và nhờ dùng máy, 1 ngày 1 lao động trung bình có thể đan được 20 phên dàng, có thu nhập 50.000 đồng, lao động giỏi hơn đan được 25 phên trở lên có thu nhập trên 75.000 đồng/ngày, tương đương với lương của một công nhân khá trong xí nghiệp.
Đặc biệt, từ ngày có máy, với năng suất cao, thu nhập khá, gia đình ông Dự và bà con làm nghề đan phên dàng ở thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng quê ông không phải lên rừng lấy nứa vất vả và cực nhọc như trước nữa. Ông Dự đã làm hợp đồng mua nứa từ nguồn ở tỉnh Bắc Kạn, chủ hàng dùng ôtô chở nứa về tận nhà ông, gia đình ông dùng và còn nhượng lại cho bà con trong thôn nữa.
Ông cho hay, trung bình mỗi tháng có 4 ôtô chở nứa đến thôn ông và mỗi năm cả thôn bán ra được trên 1 triệu phên dàng, thu ngót 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 320 lao động với thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Phên dàng làng ông được cung cấp cho những vùng làng nghề tráng bánh đa, mỳ Chũ, bánh đa nem ở Vân Hà, Việt Yên trong tỉnh...
 

 

Cả hai công trình này đều đã đoạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11./.