Bản in
Biến bùn đỏ thành thép
Lần đầu tiên, tại Việt Nam, các nhà khoa học Viện hóa học- Viện KH&CN Việt Nam đã thành công trong tận dụng bùn đỏ, để tạo ra thép, phụ gia xi măng, chất gia cố mặt đường…giải quyết được lượng lớn bùn đỏ thải ra trong quá trình làm giàu và khai thác alumin (nhôm) từ quặng Boxit.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, đây là một nhiệm vụ cấp nhà nước do Viện KH&CN Việt Nam giao cho Viện Hóa học chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu biến bùn đỏ là một phế thải trong quá trình sản xuất alumin (nhôm) thành sản phẩm hữu ích”. Một trong những nhiệm vụ của đề tài là chuyển hóa bùn đỏ biến phế thải này thành thép.

Trên cơ sở phân tích,  nhóm nghiên cứu thấy lượng bùn đỏ có hàm lượng sắt trong oxit khoảng  50- 55%. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã dựa trên nguyên tắc sử dụng than, các bon để khử hóa oxit sắt thành sắt và đã thành công khi khử thành sắt. Sau đó kết hợp với các phương pháp luyện khác nhau chuyển hóa bùn đỏ thành sắt có chất lượng tốt hơn như CT3, CT5 hoặc có thể tuyển để sử dụng trong các ngành kinh tế, kỹ thuật khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến khẳng định, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế tạo từ bùn đỏ hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay, đáp ứng được cả 2 mục tiêu. Đó là giảm được lượng chất thải trong quá trình khai thác, chế biến bauxite, vừa tận dụng chất thải dư thừa trong khai thác, chế biến quặng tạo ra loại vật liệu có khả năng xử lý các ô nhiễm ion kim loại nặng, các chất độc hại khác trong môi trường nước.

Thép ra lò (Mai Hà)

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng, nếu khai thác nhôm, khai thác bauxite sẽ thải ra một lượng bùn đỏ rất là lớn. Tỷ lệ thải ra bùn đỏ rất lớn so với sản phẩm alumin khi được làm giàu. Trên thế giới cũng  đang lo lắng về việc này và đã có rất nhiều phương án để xử lý. Còn tại Việt Nam,  tỷ lệ chất sắt ở trong bùn đỏ  khoảng từ 40% đến trên 51 %. Với tình hình như vậy Bộ KH&CN đã đưa ra ý tưởng và đề nghị Viện Hóa học- Viện KH&CN Việt Nam nhóm các nhà khoa học cùng với công ty thép cho nghiên cứu và sản xuất thử là luyện từ bùn đỏ ra thép.

Tuy nhiên, ông Lạng cũng cho biết, để công nghệ thành công cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ một cách tốt nhất, tối ưu nhất đặc biệt là giảm giá thành. Song song với đó là phần thải ra sau khi luyện ra thép từ bùn đỏ còn một lượng rất lớn oxit silic và oxit nhôm. Với lượng này có thể nghiên cứu sản xuất clinker, mác 500 cho phụ gia xi măng, ngoài ra có thể làm gạch Bloc (đã cho thí nghiệm và làm thử thành công)…về cơ bản có thể giải quyết được lượng bùn thải ra trong quá trình khai thác và làm giàu alumin.

Được biết, bùn đỏ là sản phẩm (chất thải rắn) của quá trình khai thác bauxite và tinh chế Alumin. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu xử lý bùn đỏ, nhằm mục đích loại bỏ một phần hoặc tiêu hủy an toàn và vận dụng thành phần có ích của nó.

Đây là nhu cầu thực tế và bức xúc hiện nay tại các khu kinh tế Tây Nguyên và nhiều địa phương, như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và ven biển Miền Trung.

Mai Hà