Bản in
Nhiều nghiên cứu của sinh viên được bệnh viện tin, dùng
Một nhóm sinh viên và giảng viên thuộc Viện Điện tử viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công hệ thống rửa quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo. Nghiên cứu này hiện đang được áp dụng tại nhiều bệnh viện.

Hệ thống này hoàn toàn tự động, từ rửa đến bảo quản, rửa sạch hơn, tăng số lần sử dụng quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo lên gấp đôi.

Tăng số lần sử dụng

Sinh viên Nguyễn Minh Đức, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: nếu rửa bằng thủ công, quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo chỉ tái sử dụng được tối đa 3 – 4 lần. Tuy nhiên, trước nay, các bộ phận trên thường được rửa thủ công nên khó đảm bảo sạch. Do vậy, số lần tái sử dụng quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo không cao. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải tốn chi phí lớn hơn trong quá trình điều trị.

Trăn trở trước điều này và nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của cả giảng viên nên nhóm sinh viên: Nguyễn Minh Đức, Lê Văn Quyền, Nguyễn Tiến Tân va Nguyễn Thị Anh Đào bắt tay vào việc nghiên cứu chế tạo hệ thống rửa quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo.

ThS Đào Việt Hùng, một trong những thành viên hướng dẫn nhóm sinh viên chế tạo cho biết: các bạn đã đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái để khảo sát trực tiếp quá trình rửa thủ công nhằm đưa ra quy trình rửa tối ưu.

Hệ thống rửa do sinh viên chế tạo làm việc hoàn toàn tự động, chỉ cần lắp quả thận vào bấm nút. Có thể lập trình thời gian rửa nhanh hay lâu. Khi rửa xong, sẽ được chuyển qua bộ phận kiểm tra độ sạch. Nếu chưa sạch, sẽ được chuyển qua chế độ rửa đặc biệt. Sau khi rửa xong hệ thống sẽ tự động vô hóa chất bảo quản và đóng gói lại.

An toàn hơn

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa thận nhân tạo bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, nơi có bốn modul máy rửa quả lọc và dây dẫn máu của máy thận nhân tạo do nhóm sinh viên chế tạo nhận xét: trên thế giới cũng có loại máy tương tự, nhưng họ chỉ rửa quả lọc chứ không rửa dây. Ưu điểm của hệ thống rủa do  nhóm sinh viên chế tạo là đã rửa luôn cả dây.

Rửa bằng máy có thể an tâm do đảm bảo được độ sạch, so với rửa thủ công, bác sĩ chỉ kiểm tra độ sạch bằng mắt thường. Còn với máy, độ sạch được thể hiện bằng các thông số cụ thể.

Theo bác sĩ Dũng: một quả lọc và dẫn máu của máy thận nhân tạo có giá khoảng 500 nghìn đồng. Tại bệnh viện Bạch Mai, nếu rửa tốt sau khi chạy thận, sẽ được tái sử dụng sáu lần.

Cùng với bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, mới đây bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cũng đã trang bị một hệ thống. ThS Vũ Duy Hải, người trực tiếp hướng dẫn nhóm sinh viên chế tạo hệ thống và lo các thủ tục pháp lý, thử nghiệm, quảng bá cho biết: hiện một bệnh viện tại tỉnh Yên Bái và Thái Bình cũng đã đặt hàng máy. Giá bán hệ thống (một mô-đun) khoảng trên 50 triệu đồng.

Cùng với việc thử nghiệm tại nhiều bệnh viện, nhóm chế tạo đang gởi hồ sơ lên Bộ Y tế để xin phép lưu hành chính thức hệ thống rửa  nói trên ở các bệnh viện trên toàn quốc.