|
|||
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN xoay quanh vấn đề này. Xin ông cho biết những đóng góp của chuyển giao công nghệ qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong chuyển giao công nghệ tại Việt Nam? Chuyển giao công nghệ qua các dự án FDI là một trong những kênh chủ yếu, có tính đột phá để nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam. Đến nay, hầu hết các công nghệ có trình độ tiên tiến và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật cao ở Việt Nam được tập trung trong khu vực có vốn FDI. FDI đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt như: góp phần tích lũy vốn và tăng thu ngân sách, riêng năm 2011 vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt nam ước đạt 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% giá trị xuất khẩu và khoảng 20% GDP. Ngoài ra, FDI còn giúp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý; tạo công ăn việc làm và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Tính đến tháng 12/2011, Việt Nam đã có 13.667 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 198 tỷ USD, trong đó có 1.137 dự án FDI trong các hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 983 triệu USD. Vậy thực tế hiện nay, việc chuyển giao công nghệ thông qua các dự án FDI còn gặp khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông? Bên cạnh những đóng góp tích cực của FDI thì hàm lượng công nghệ cũng như khả năng chuyển giao công nghệ thông qua các dự án FDI vẫn còn hạn chế. Điều này được thể hiện trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Vì FDI tại Việt Nam hiện đóng góp một tỷ lệ quan trọng về kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm và các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như dệt may và tạp phẩm chiếm đến 49,4% so với tỷ lệ 14,5% của các quốc gia Đông Á và Ấn Độ. Ngược lại, đối với các ngành chế tạo đòi hỏi công nghệ cao như máy móc các loại, máy phát điện, máy công cụ, xe hơi và bộ phận xe hơi, đồ điện tử và IT thì Việt Nam chỉ chiếm tỷ lệ 7,5% so với 54,6% của Đông Á và Ấn Độ… Như vậy ta có thể thấy phần lớn các doanh nghiệp FDI chỉ tập trung khai thác lợi thế lao động rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ dễ tính để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Một vấn đề quan trọng nữa trong thu hút FDI hiện nay là FDI phải tạo ra tác động lan tỏa thông qua kỹ năng, công nghệ và cách thức quản lý… rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc lan tỏa của FDI tại Việt Nam, đặc biệt trong chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Mặt khác, nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ cao đang gặp khó khăn và thiếu trầm trọng nguồn lao động kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam chưa đáp ứng đủ số lượng lao động có trình độ cao theo yêu cầu của khu vực FDI nói riêng và nhu cầu của xã hội nói chung. Bên cạnh đó, liên kết giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa còn rất ít, chưa hình thành được các ngành công nghiệp phụ trợ, liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa. Thông thường công nghiệp phụ trợ có thể tạo ra 80-95% giá trị gia tăng cho sản phẩm tuy nhiên hiện các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ở Việt Nam phải nhập khẩu từ 70-80% lượng sản phẩm phụ trợ. Vậy hạn chế đó có ảnh hưởng tới doanh nghiệp FDI, thưa ông? Do hạn chế này mà phần giá trị được tạo ra ở Việt Nam còn thấp, nhiều doanh nghiệp FDI khó phát triển được quy mô và đầu tư chiều sâu. Về cơ cấu các nhà đầu tư thì cho tới nay các công ty xuyên quốc gia có nguồn vốn dồi dào, nắm trong tay công nghệ tiên tiến, thương hiệu nổi tiếng, thị trường rộng lớn còn hiện diện chưa nhiều ở Việt Nam. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải tranh thủ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp này và các nền kinh tế phát triển cao vào Việt Nam. Để FDI thực sự là một trong những kênh quan trọng nâng cao năng lực công nghệ nước ta, theo ông cần có những giải pháp gì nhằm nâng cao vai trò của FDI? Tôi cho rằng cần phải giải quyết ba khâu then chốt gồm chính sách, nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở. Giải quyết được những khâu này vừa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vừa gia tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI cần được coi là những nguồn lực đáng kể đối với KH&CN và hạ tầng cơ sở trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2020. Cụ thể, về chính sách cần kịp thời xây dựng và cơ động, linh hoạt sửa đổi các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thuế để hướng các doanh nghiệp FDI vào trúng những lĩnh vực nước ta cần trong thời kỳ mới. Đối với những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến cần có những chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích các doanh nghiệp FDI, cần kiên quyết từ chối những nhà đầu tư sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường… Việt Nam cần thu hút và sử dụng có lựa chọn FDI. FDI sẽ có hiệu quả cao hơn, đạt được sự bền vững tốt hơn đối với nền kinh tế Việt Nam nếu các dự án FDI tạo ra được nhiều liên kết với các ngành sản xuất nội địa, nâng cao phần giá trị gia tăng, đẩy mạnh tác động lan tỏa, ít tiêu hao năng lượng, không làm cạn kiệt các nguồn nguyên liệu tự nhiên, hạn chế được ô nhiễm môi trường, chuyển giao công nghệ hiện đại. Về nguồn nhân lực, cần chủ động phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam theo hướng chuyên môn hóa, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề và trình độ quản lý tốt để chủ động và sẵn sàng nắm bắt, tiếp nhận công nghệ ở trình độ cao. Lao động có trình độ cao sẽ là một lợi thế so sánh để thu hút FDI trong thời gian tới vì lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ sẽ không còn hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nữa đặc biệt là các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn có công nghệ cao. Cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch hợp lý các khu công nghiệp tại các địa phương, đặc biệt chú trọng hình thành các khu công nghệ cao thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả của khu vực FDI trong đầu tư và chuyển giao công nghệ vào Việt Nam. Việc thu hút và sử dụng FDI một cách có lựa chọn, khuyến khích đầu tư vào những ngành nền kinh tế thực sự cần, phát triển đảm bảo tính bền vững lâu dài và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Phương Nga (thực hiện) |