Bản in
Tây Nguyên: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học
Với sự quan tâm của các Bộ, ngành Trương ương trong nhiều năm qua, các nhà khoa học của các trường Đại học đã và đang tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Tây Nguyên, dần biến mảnh đất này trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.

Hướng nghiên cứu theo “đặt hàng” của Tây Nguyên

Trong năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được triển khai thành công trong các trường đại học thuộc Khối Kỹ thuật – Công nghệ (KT - CN) trên cơ sở “đặt hàng” của Tây Nguyên. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề cấp thiết mà vùng đặt ra như: khảo sát đánh giá điều kiện địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khảo sát đánh giá tiềm năng khoáng sản rắn, đánh giá tác động của môi trường,...

Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu mang tính thực tiễn cao đóng góp chung vào sự phát triển bền vững kinh tế của vùng. Đơn cử như đề tài “chuyển giao công nghệ sản xuất chế biến vi sinh vật dùng để sản xuất phân bón hữu cơ sinh học”. Dự án đã được nghiệm thu và tiến hành chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ sinh học bằng chế phẩm vi sinh cho Viện Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Tây Nguyên. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng được mô hình sản xuất phân hữu cơ sinh học từ nguyên liệu là vỏ cà phê bằng phương pháp ủ luống sử dụng chế phẩm vi sinh. Từ mô hình này, Viện Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Tây Nguyên đã sản xuất thành công được một loại phân bón hữu cơ sinh học mới.

PGS.TS Trần Đình Kiên, Hiệu trưởng Trường đại học Mỏ - Địa chất, nhấn mạnh: mặc dù, có nhiều lợi thế nhưng hiện nay tài nguyên rừng của Tây Nguyên đang bị cạn kiệt do khai thác không được kiểm soát. Đất đai bị rửa trôi xói mòn ngày càng nhiều do tập quán canh tác chưa được cải thiện, nghèo kiệt đất do lạm dụng phân bón hóa học. Suy giảm đa dạng sinh học, mực nước ngầm bị hạ thấp, một số khoáng sản bị khai thác không kiểm soát được. Chỉ số phát triển con người, thu nhập bình quân đầu người và chất lượng dân số còn thấp.

Trong nhiều năm qua, hoạt động khoa học công nghệ của các trường đại học khối KT - CN đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh, thành trong cả nước; trong đó, có 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên. Các kết quả nghiên cứu đã từng bước đi vào đời sống, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực góp phần “thực hiện triển khai công tác nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội. Với điều kiện địa lý tự nhiên và nhiều đặc điểm về kinh tế - xã hội rất khác biệt so với các vùng miền khác trong cả nước, bởi vậy, trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên rất cần được đầu tư nghiên cứu một cách có hệ thống”.

Tạo hướng đi đúng để có những đột phá

Mặc dù đã có nhiều kết quả của hoạt động nghiên cứu, triển khai trong các trường đại học góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, tiềm năng về chất xám của các trường đại học vẫn chưa được khơi dậy để hướng nghiên cứu tới các địa phương trong vùng.

Trong thời gian tới, cần có sự kết hợp đầu tư nghiên cứu giữa trường đại học – nhà nước – địa phương và doanh nghiệp tạo thành sức mạnh đẩy nhanh tốc độ và đảm bảo chất lượng của các đề tài, dự án nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, nên đổi mới cơ chế quản lý, các nhiệm vụ KH&CN dựa trên kết quả đầu ra. Việc thí điểm khóan kinh phí căn cứ trên sản phẩm đầu ra là một trong các giải pháp vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường thông thoáng và hiệu quả, giúp khơi nguồn và phát huy sức sáng tạo trong nghiên khoa học tại các trường Đại học.

Để hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường thực sự hiệu quả, ngoài những định hướng chung như đẩy mạnh nội lực trong nghiên cứu, thắp ngọn lửa đam mê sáng tạo, ý thức nghề nghiệp và trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, thì hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học cũng nên hướng theo đặc thù và năng lực của từng trường để có chính sách đầu tư phù hợp, đồng thời có cơ chế đấu thầu đối với các đề tài nghiên cứu khoa học và giao nhiệm vụ theo hợp đồng khoán sản phẩm.

KH&CN đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của từng quốc gia. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học là một xu thế của nền giáo dục năng động, sáng tạo. Thiết nghĩ nếu coi đổi mới quản lý giáo dục đại học là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, thì việc đầu tư và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay là tiền đề quan trọng để đưa nền giáo dục đại học của nước ta có những bước tiến mới, vững chắc.

Hải Ngọc