|
|||
Công trình vừa được nhận giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010. Nguồn dược liệu quý từ biển Dược liệu biển là nguồn cung cấp dồi dào các hoạt chất sinh học và hiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học trên thế giới. Hầu hết các hoạt chất chiết xuất được từ dược liệu biển được định hướng vào các nghiên cứu invitro, nghiên cứu tiền lâm sàng nhằm tìm kiếm các tác nhân hỗ trợ hoặc điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư, Alzheimer, viêm nhiễm, sốt rét, ho lao… Đến nay, đã có nhiều hoạt chất có nguồn gốc từ sinh vật biển được cấp phép thành thuốc lưu hành, điển hình như Ara- C, Trabectedin chữa ung thư… Những kết quả nghiên cứu mang tính hệ thống, bài bản về dược liệu biển Việt Nam của đề tài cứu cấp Nhà nước KC09.15 “Nghiên cứu khả năng khai thác và sử dụng nguồn dược liệu biển Việt Nam, giai đoạn 2003 – 2005” và KC.09/06-10 “Nghiên cứu sàng lọc các chất có hoạt tính sinh học theo định hướng kháng sinh, gây độc tế bào và chống oxy hóa từ sinh vật biển nhằm tạo các sản phẩm có giá trị dược dụng, giai đoạn 2006 – 2008” đã mở ra hướng nghiên cứu mới về hóa sinh biển ở Việt Nam. Đó cũng là tư liệu quan trọng đóng góp vào thông điệp của các nhà khoa học Việt Nam gửi đến cộng đồng khoa học quốc tế về chủ quyền, tiềm năng biển Việt Nam. Công trình “khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật biển Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống” của GS. Châu Văn Minh và các cộng sự thuộc Viện KH&CN Việt Nam đã lựa chọn đối tượng nghiên cứu là các sinh vật biển ở Biển Việt Nam. Đối tượng nghiên cứu này hình thành từ quá trình tiến hóa lâu dài, tồn tại trong mọi hệ sinh thái biển và có ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học biển. Mặt khác, quá trình tổng hợp tự nhiên các hoạt chất trong sinh vật biển đã giúp cho các loài sinh vật biển sinh sống và tồn tại trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, các hoạt chất này còn tạo ra cơ chế phòng vệ thích hợp cho từng đối tượng sinh vật, tạo cơ chế thích nghi cho các sinh vật biển có thể cùng sinh sống trong môi trường chật hẹp hình thành ra các hệ sinh thái đa dạng chỉ có ở môi trường biển. Đã có rất nhiều hoạt chất được phát hiện ở những sinh vật sống trong môi trường khắc nghiệt hay từ những sinh vật đặc biệt, dị thường vì đó mà chúng mang lại những hoạt tính quý báu, tiềm năng cho việc tạo thuốc chữa bệnh cho con người từ biển.
Các nhà khoa học cho rằng, biển sẽ cung cấp nguồn dược liệu quý rất lớn cho con người nếu biết khai thác (ảnh: HH) Công trình bao gồm các quy trình chiết xuất các hoạt chất từ sinh vật biển, các quy trình này đã được công bố theo hình thức bằng sáng chế, các công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đã áp dụng các quy trình chiết xuất để chiết xuất ra hàng trăm hoạt chất quý. Các hoạt chất mới đóng góp vào tư liệu danh mục các hoạt chất thiên nhiên biển trên thế giới; các hoạt chất có tính sinh học cao được sử dụng làm các chất chỉ thị sinh học nhằm phát hiện ra các nhóm dược liệu quý… Hướng nghiên cứu mới về nguồn dược liệu Với hướng nghiên cứu này các nhà khoa học hy vọng sẽ đạt được một đánh giá có hệ thống nguồn dược liệu biển Việt Nam thông qua việc tìm kiếm và khai thác được các nhóm dược liệu, các khu vực có nguồn dược liệu biển; xây dựng được quy trình công nghệ chiết xuất các chất có hoạt tính sinh học nhằm tạo ra một số sản phẩm có giá trị dược dụng. Mục tiêu xa hơn nữa là mở ra hướng nghiên cứu mới về hóa sinh biển cho Việt Nam, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực hợp chất thiên nhiên biển, một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam, góp phần nâng cao nghiên cứu khoa học các hợp chất thiên nhiên và các nghiên cứu biển ở Việt Nam lên tầm quốc tế. Công trình nghiên cứu bài bản, có tính hệ thống về dược liệu biển ở nước ta, công trình này là phần chính trong hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đạt trình độ khoa học cao, được đánh giá xuất sắc, hiện đại ngang tầm quốc tế trong giai đoạn 2004 – 2008. Công trình đồ sộ, phong phú về nội dung, logic về mặt cấu trúc. Đây là mô hình nghiên cứu về dược liệu biển có giá trị cao về mặt phương pháp luận; sự thành công của công trình đã mở ra hướng nghiên cứu mới, hướng nghiên cứu các hoạt chất sinh học biển ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng từ kết quả nghiên cứu của công trình, Bộ KH&CN cũng đã xác định hướng nghiên cứu các hoạt chất sinh học biển là một trong các trọng tâm trong chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng giai đoạn 2011 – 2015 của Nhà nước. Công trình cung cấp một hệ thống tư liệu tổng quát, một cơ sở dữ liệu khá đầy đủ về các loài hải miên, san hô mềm, da gai, tảo biển, rong biển… . Đây là cơ sở khoa học cho các nhà nghiên cứu về hóa học, hải sản, y dược tham khảo và thiết kế những chương trình nghiên cứu lớn về dược liệu biển. Ông Phạm Văn Cường, Viện Phó Viện Hóa sinh biển nhận định, công trình còn là cơ sở khoa học định hướng cho các đơn vị nghiên cứu triển khai, các công trong việc ứng dụng để ra các sản phẩm có giá trị như các sản thực phẩm chức năng. Bộ dữ liệu của công trình gồm 53 công trình được công bố trong đó có 3 bằng độc quyền sáng chế, 22 công trình công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín, 3 sách chuyên khảo và 25 công trình công bố trên tạp chi trong nước. Đây là bộ tư liệu quý phục vụ đào tạo cán bộ trẻ trong lĩnh vực hóa hợp chất thiên nhiên biển góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu biển ở Việt Nam lên tầm quốc tế. Mai Chi – Hoàng Anh |