Bản in
Cơ chế nào “hút” nhân tài khoa học và công nghệ?
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết, hiện nay, chúng ta chưa có chính sách hữu hiệu sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN, đặc biệt là cán bộ trẻ tài năng và tiềm năng, nhà khoa học đầu ngành trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, vì vậy chưa phát huy được tiềm năng trí tuệ của đội ngũ KH&CN.

Tăng cường đầu tư

Bộ KH&CN đã trình Chính phủ triển khai chủ trương lớn mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN, đó là chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Nghị định số 115/2005/NĐ-CP) và hình thành doanh nghiệp KH&CN (Nghị định số 80/2007/NĐ-CP).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, đến nay hầu hết các tổ chức KH&CN công lập đã được giao quyền tự chủ ở mức độ khác nhau, số lượng các tổ chức thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã có sự gia tăng lớn, chiếm hơn 80% các tổ chức đăng ký ở các Bộ, ngành và địa phương, trong đó có khoảng 65% các tổ chức có đề án chuyển đổi sang cơ chế mới đã được phê duyệt. Số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN có khoảng 2.000, trong đó số doanh nghiệp khởi nguồn từ các viện nghiên cứu, trường đại học chiếm 15%. Một số doanh nghiệp đã thành lập các viện nghiên cứu để tự chủ trong nghiên cứu và đổi mới công nghệ sản phẩm…

Naiscorp là doanh nghiệp đi lên từ nghiên cứu khoa học (Ảnh: TH)

Đầu tư của Nhà nước cho KH&CN dù còn hạn hẹp nhưng đã được gia tăng và duy trì ở mức 2% tổng chi ngân sách. Bên cạnh việc quản lý phân bổ và sử dụng ngân sách sự nghiệp KH&CN, từ năm 2008, Bộ KH&CN được quyền kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách KH&CN ở các Bộ, ngành, địa phương, nhờ đó chế độ báo cáo tình hình sử dụng ngân sách đã được cải thiện, hỗ trợ công tác lập kế hoạch hàng năm.

Đối với nguồn đầu tư từ xã hội cho KH&CN bước đầu đã được cải thiện. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực làm tăng đầu tư của khu vực ngoài ngân sách cho KH&CN. Bộ KH&CN đã hỗ trợ hơn 425 tỷ đồng cho hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc mọi thành phần kinh tế, tạo tiền đề để các doanh nghiệp này huy động thêm hơn 4 nghìn tỷ đồng cho việc triển khai các đề tài nghiên cứu sản phẩm mới, công nghệ mới. Đối với doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, Bộ KH&CN đã tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đề KH&CN ở trình độ cao nhằm tạo ra các công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm trọng điểm của nền kinh tế như chế tạo các tổ hợp phát thủy điện, truyền dẫn điện; chế tạo đồng bộ thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng lò quay; đóng giàn khoan tự nâng 90m nước cho dầu khí…

Hạn chế tình trạng “Chảy máu” chất xám

Mặc dù đã có những kết quả khả quan trong thực hiện đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, nhưng bên cạnh các vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện, đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN thì bản thân các cơ chế, chính sách đã ban hành sau 7 năm thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần tháo gỡ, một số cơ chế, chính sách được cho là tiến bộ thậm chí lại không thể ra đời vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, có vướng mắc về cơ chế quản lý nhân lực KH&CN.

Trong năm 2006 - 2010, Việt Nam đã có gần 14.000 lượt cán bộ quản lý KH&CN được đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực quản lý KH&CN, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, năng lượng,…; hơn 2.000 lượt cán bộ nghiên cứu trong các trường đại học tổ chức KH&CN tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh tế - kỹ thuật để chuẩn bị thi nâng ngạch.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, cho đến nay về cơ bản vẫn chưa ban hành được chính sách hiệu quả về đãi ngộ, trọng dụng cán bộ KH&CN như tiền lương, phụ cấp, danh hiệu vinh dự Nhà nước, ...dẫn tới tình trạng “chảy máu” chất xám từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

TS Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, mặc dù nhà nước đã có những quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế tiền lương trả cho các nhà khoa học vẫn chưa tương xứng với trình độ, năng lực và hao phí lao động trí óc của các nhà khoa học. Do không thu hút được nhiều người tài, nên xảy ra tình trạng chất lượng các công trình nghiên cứu có phần hạn chế. Bộ KH&CN cũng đã lên phương án đề nghị nhà nước có chính sách riêng cho khoa học, đặc biệt là những ngành khoa học đặc thù.

Các vướng mắc, bất cập trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý KH&CN 7 năm qua rõ ràng đã làm giảm tác động tích cực của cơ chế, chính sách đối với sự phát triển KH&CN trong nước. Trình độ KH&CN của nước ta mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn khoảng cách tụt hậu khá xa so với thế giới, kể cả với một số nước trong khu vực Đông Nam Á; số lượng công trình công bố quốc tế và sáng chế được bảo hộ tuy có tăng nhưng còn thấp; đội ngũ cán bộ KH&CN chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành và các tổng công trình sư có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế; hạ tầng kỹ thuật, trình độ lao động, nhu cầu và mức độ quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn tấp dẫn tới việc tiếp thu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.

Vì vậy, xây dựng chính sách đãi ngộ cho nhà khoa học chính là chìa khoá để phát triển KH&CN. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có những Nhà khoa học ưu tú, nhà khoa học nhân dân được vinh danh, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Tuyết Chi