|
|||
Nông dân đồng bằng sông Cửu Long nổi trội về khả năng thực nghiệm và thao tác thành thạo các phương tiện cơ khí nông nghiệp. Ði sâu vào trong nội đồng, thường thấy hình ảnh người phụ nữ điều khiển tắc-ráng, hì hục sửa chữa máy nổ, máy bơm nước không hề thua kém cánh đàn ông. Việc sử dụng và tự sửa chữa các loại máy cày, máy trục, máy xới, kô-be, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp là chuyện nhỏ với thanh niên nông thôn. Chỉ cần nghe tiếng máy không êm tai là họ biết ngay bộ phận nào của động cơ bị trục trặc và cần chỉnh sửa gì. Rành máy móc như vậy cho nên họ luôn mày mò tìm hiểu và cải tiến phương tiện cơ khí nông nghiệp cho phù hợp đồng đất quê mình, thêm nhiều tính năng mới trên một thân máy, vừa giảm cực nhọc, vừa bớt chi phí đồng áng, nhất là vào thời điểm thu hoạch rộ. Khoảng chục năm gần đây, tại vùng đất "Chín Rồng" liên tục xuất hiện các kỹ sư "chân đất" với những sáng chế để đời như máy xúc lúa, máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt lúa xếp dãy hiệu Tư Sáng, máy gặt đập liên hợp thế hệ F2 của nông dân An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ... Từ một nông dân "chân chất", thông cảm với cảnh nông dân cào lúa ra phơi khô, rồi xúc lúa vào bao, lỡ trời mưa để lúa lên mộng thì chỉ còn nước xúc lúa giống cho gà vịt ăn, ông Tư Sáng ở tỉnh Hậu Giang đã có ý tưởng tạo ra cái máy xúc, cào lúa vào bao. Suốt mấy tháng trời tìm hiểu nguyên lý vận hành của động cơ rồi ráp nối ý tưởng, cuối cùng những bộ phận chính và hình thù chiếc máy xúc lúa được định hình. Khi vận hành chỉ cần một người điều khiển, máy tự động cào lúa vào thùng bằng hệ thống giàn cào lúa, rồi đưa lúa ra ống, đổ vào bao bằng trục khoan lúa. Ngày 26-4-2007, chiếc máy xúc lúa mang nhãn hiệu Tư Sáng trình làng, đến nay đã bán được hàng trăm chiếc. Tiếp đó, ông Tư Sáng cho ra đời thêm hai sản phẩm có ích cho nhà nông là máy xúc lúa trên sân, máy cắt lúa xếp dãy và ông đang quyết tâm làm ra máy phun thuốc trừ sâu. Tôi đến thăm Công ty TNHH một thành viên Liêm Thanh ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, nơi thành công trong việc cải tiến, sáng chế máy đào ao, máy hút bùn, vét đáy ao... Chủ doanh nghiệp này là Trần Văn Dũng, 54 tuổi, là một "Hai Lúa" thứ thiệt, da đen nhẹm, ăn nói rổn rảng. Anh bảo: "Gia đình tôi trước đây nghèo dữ lắm, chữ nghĩa của tôi không nhiều, bởi vậy biểu tôi chạy giấy tờ thì khó như lên trời. Tôi phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, từ cắt tóc dạo, thợ mộc, sửa xe, rồi đi Cà Mau nuôi tôm lỗ, cụt vốn, đến năm 1999 đành phải trở về Duyên Hải (Trà Vinh) làm nghề đào đất mướn. Lúc đó, phong trào đào ao nuôi tôm, thả cá đang đà bung ra, đào đất bằng cơ bắp cực lắm, tôi thầm nghĩ phải chế ra máy đào ao. Nói là làm, sau một tháng nghiên cứu, mò mẫm, hình thù chiếc máy đào ao của tôi ra đời nhưng hoạt động chưa ổn lắm. Vậy là phải cải tiến lại máy, rồi một đốt ngón tay của tôi bị máy cắt lìa vì máy vận hành chưa chính xác. Không bỏ cuộc, mọi chỉnh sửa cứ tiếp tục, đến năm 2001, nghĩa là sau ba năm dồn hết tâm trí và tiền bạc theo đuổi ý tưởng chế tạo máy đào ao, cuối cùng sản phẩm này cũng hoàn thành. Chỉ trong vòng hai tháng, chiếc máy đào đất của tôi sau khi trừ hết chi phí xăng, dầu đã thu về 57 triệu đồng. Còn gì sung sướng bằng, với hai người đào đất từ sáng đến chiều được khoảng 100 nghìn đồng, trong lúc máy thu về hơn một triệu đồng. Những đồng tiền đó tôi nhớ kỹ lắm, không bao giờ quên. Năm 2002, tôi chế tạo thêm máy đào ao thứ ba, tiếp đó, năm 2003, thêm ba máy nữa, nâng tài sản của gia đình lên năm máy đào ao, trừ mọi chi phí, mỗi máy thu về một triệu đồng/ngày. Máy đào ao của tôi nâng thêm công suất máy, dẫn ống đưa bùn đất đi xa cả cây số cũng được, cái đó thì sức người mất công lắm". Năm 2003, tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo về chủ đề nông dân thoát nghèo, có thư mời nông dân Trần Văn Dũng. Anh Dũng đi xe ôm tới dự và được chỉ định phát biểu. Anh kể: "Tôi nói đại là xin chính quyền địa phương bán trả chậm cho tôi Trạm điện tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất của tôi làm ăn lớn!". Sau lúc tìm hiểu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh quyết định: "Cho anh Trạm điện liền!". Mùng 7 Tết năm đó, Trạm điện ba pha trị giá vài trăm triệu đồng được lắp đặt ngay trước cơ sở sản xuất của anh Dũng. Nhờ trạm điện này mà cơ sở của anh mở rộng quy mô sản xuất, bán được hơn một nghìn chiếc máy đào ao, cho cả khách hàng ở Ô-xtrây-li-a, Lào, Cam-pu-chia. Tháng nào cũng có xe tải từ các tỉnh phía bắc đến mua bảy, tám chiếc máy đào ao. Anh bộc bạch: "Cuộc đời tôi nếu không nhờ báo chí ủng hộ và nhất là không nhờ Nhà nước thì không bao giờ có được như ngày hôm nay!". Sự phấn khích tạo thêm nhiều ý tưởng mới cho anh. Với nghề nuôi tôm, sau khi thu hoạch là phải vét bùn, sình để phơi phóng chống mầm bệnh để nuôi đợt tôm kế tiếp, mà việc nạo vét bằng tay mất quá nhiều thời gian. Từ suy nghĩ này, năm 2005 anh Dũng chế ra máy hút bùn, vét ao, tiếp đó là máy xuyên thông đáy ao. Tiếng lành đồn xa, Xưởng Ba Son (TP Hồ Chí Minh) đặt hàng cơ sở anh Dũng làm máy nạo vét kênh và cũng từ ý tưởng này mà anh Dũng chế tạo ra máy nạo vét kênh nội đồng, nơi mà các phương tiện tàu cuốc không vào được. Chính tình yêu giữa người và đất, cộng với tình thân ái, gắn kết của nghiệp nhà nông đã ươm mầm cho những nhà khoa học "chân đất" nêu trên. Chỉ có ở vựa lúa Tây Nam Bộ với tinh thần thi đua tự giác "mình vì mọi người", tình yêu lao động vượt trên mô phạm sách vở đã giúp các anh Hai Lúa tự tin làm ra những sản phẩm để đời. |