Bản in
Một số công nghệ quân sự nổi bật năm 2011
Năm 2011 ghi nhận nhiều bước tiến của công nghệ quân sự, điển hình là công nghệ ngụy trang, điều khiển học, tin học và tăng cường hỏa lực cho vũ khí, trang bị.

Công nghệ ngụy trang

Ngoài xu hướng truyền thống, trong năm 2011, các nhà khoa học còn tìm cách chế tạo vũ khí tàng hình ngay cả với giác quan của con người. Cuộc trình diễn của Su T-50 tại triển lãm MAKS 2011 là điểm nhấn của cuộc đua tàng hình. Su T-50 được ứng dụng kỹ thuật tàng hình chủ động với công nghệ plasma. Theo đó, lớp vỏ của máy bay sẽ được “bọc” trong lớp không khí ion hóa để giảm tiết diện phản xạ ra-đa. Nhà thiết kế Sukhoi ứng dụng công nghệ ngụy trang điện tử cho T-50 bằng việc chụp ảnh bề mặt của nó và môi trường xung quanh theo thời gian thực. Một máy tính trong máy bay sẽ xử lý các dữ liệu này và xuất tín hiệu hình ảnh chiếu lên bề mặt máy bay để giúp nó “hòa” vào bầu trời.

Đối với hải quân, công nghệ tàng hình cũng tạo được sự chú ý khi Mỹ chính thức khởi công đóng chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp DDG-1000 được cho có khả năng “biến mất” hoàn hảo hơn. DDG-1000 thiết kế với phần mũi ngược, cấu trúc thượng tầng dạng hình học đặc biệt giúp giảm 40% diện tích phản xạ ra-đa so với khu trục lớp Arleigh Burke.

Đặc biệt nhất phải kể đến xe tăng hạng nhẹ CV90 của Anh được bọc áo tàng hình mang tên Adaptiv. Thực chất, công nghệ này dùng một máy bay chụp phong cảnh nền xung quanh xe, cung cấp dữ liệu hình ảnh để vỏ xe biến đổi theo môi trường xung quanh. Nó còn có thể "bắt chước" hình ảnh một chiếc xe khác.

Công nghệ điều khiển học và tin học

Trung Quốc bắt đầu những chuyến bay thử nghiệm UAV tầm xa HQ-4 với thiết kế độc đáo, kết hợp kiểu cánh truyền thống và cánh đuôi ngược dài. Trước đó, I-xra-en hoàn thành chương trình thử nghiệm UAV trinh sát tầm xa Eitan có kích thước “khổng lồ”. Eitan có thể hoạt động liên tục trên không 36 giờ, ở độ cao 13.000km. Theo nhà sản xuất, các hệ thống phòng không, thậm chí là S-300, không thể phát hiện được hoạt động của máy bay UAV loại này.

Tại triển lãm hàng không MAKS 2011, Tập đoàn Vega (Nga) giới thiệu UAV Lutch có trọng lượng 800kg, tốc độ đạt 270km/h, bay liên tục trên không 18 giờ. Lutch không chỉ có nhiệm vụ do thám, mà còn mang được vũ khí để thực hiện tấn công mục tiêu trong trường hợp cần thiết.

UAV tiêu biểu nhất của năm 2011 là máy bay ném bom tàng hình không người lái X-47B. UAV này có kiểu dáng tương tự máy bay ném bom chiến lược B-2, nhưng kích thước nhỏ hơn. Nó được trang bị động cơ phản lực cho phép hoạt động liên tục trên không 6 giờ liên tục, tầm bay gần 4.000km. X-47B thiết kế với khoang trong thân chứa khí tài trinh sát, tên lửa, bom có điều khiển. Đây là loại UAV vũ trang duy nhất hiện nay trên thế giới có khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay.

Năm 2011 cũng đánh dấu những nét mới của hình thái chiến tranh mạng. Nhiều trang mạng của Bộ Quốc phòng các nước, các tập đoàn công nghiệp quân sự trên thế giới bị đánh cắp thông tin.

Giữa năm 2011, đại diện Tập đoàn Lockheed Martin tuyên bố, mạng máy tính công ty bị hacker tấn công trên quy mô lớn. Không lâu sau, công ty Mitsubishi Heavy Industry-nhà thầu quốc phòng lớn nhất Nhật Bản bị nhóm tin tặc tổ chức tấn công kiểm soát 80 máy tính. Ở Hàn Quốc, hàng chục trang web của chính phủ, văn phòng Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Cơ quan Tình báo bị tấn công, khiến trang mạng tê liệt.

Trước tình hình đó, các nước đẩy mạnh việc thành lập đơn vị tác chiến mạng. Nga đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ mạng đảm bảo khả năng chống lại tất cả những cuộc tấn công của hacker. NATO cũng lên kế hoạch lập đơn vị phản ứng nhanh mang tên Cyber Red Team. Thậm chí, Mỹ còn tuyên bố dùng đòn phóng tên lửa chính xác đến bất cứ nơi đâu trên Trái đất để trừng phạt hacker.

Bước tiến về hỏa lực

Vũ khí được báo chí nhắc đến nhiều trong năm 2011 là tên lửa siêu âm Brahmos do Ấn Độ-Nga hợp tác phát triển. Nguyên mẫu của Brahmos là tên lửa Yakhont, được thiết kế để diệt chiến hạm trong phạm vi 300km. Ngày 28-11-2011, Ấn Độ đã thử nghiệm Brahmos thành công với tốc độ lên tới Mach 6,5. Đây có thể coi là một bước tiến mới trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu âm.

Cũng trong xu hướng tăng tốc tấn công, Mỹ tiếp tục theo đuổi tham vọng “đòn tấn công nhanh toàn cầu”, vươn tới bất kỳ ở đâu trên thế giới trong thời gian nhanh nhất. Năm 2011, Mỹ thử nghiệm vũ khí HTV-2 nhưng chưa thành công và tiếp tục phát triển, thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh AHW vào giữa tháng 11-2011. Tại triển lãm Hàng không quốc tế Le Bourget (Pháp), hãng Raytheon của Mỹ còn giới thiệu loại tên lửa mới sử dụng sóng vi-ba gây hại cho các thiết bị điện tử thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, hệ thống thông tin liên lạc của các sở chỉ huy, các trung tâm do thám đặt tại khu đông dân cũng như các thiết bị cảm ứng trên máy bay của đối phương.

Boeing và BAE System đã cho ra đời hệ thống la-de chiến thuật Mk38 Mod 2 dùng trong Hải quân Mỹ. Đây là loại pháo được điều khiển từ xa, sử dụng nòng M242 Bushmaster 25mm với tầm bắn 2,5 km và tốc độ bắn là 168 phát/phút. Việc sử dụng vũ khí la-de giúp tăng độ chính xác khi ngắm bắn. Mức năng lượng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào mục tiêu.