Táo bạo trong quyết sách đầu tư
Chia sẻ rất thẳng thắn với báo giới ngay trong lễ công bố dự án, bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân khẳng định, chúng ta phải có được hệ thống các công nghệ nền tảng, tự làm chủ từ nghiên cứu thiết kế đến chế tạo…
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng đưa quan điểm rất rõ ràng khi Bộ KH&CN quyết định đầu tư lớn cho dự án này bởi chỉ có chấp nhận đầu tư mạo hiểm, chúng ta mới có thể có những bước tiến lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Đó là chưa kể, những kết quả nghiên cứu chip trong những năm gần đây đã cho thấy hướng nghiên cứu có định hướng ứng dụng rõ ràng, thấy rõ tương lai ứng dụng, từ khâu sản xuất đến đặt hàng sản phẩm. Một nền kinh tế tri thức dựa trên nền tảng khoa học công nghệ thì khó có thể phát triển bền vững nếu như không nắm bắt được công nghệ cốt lõi. Nhờ việc làm chủ công nghệ tiên tiến mà ngành đóng tàu nước ta đang có cơ hội xếp vào top 10 nước trên thế giới. Nhờ có các giống mới, quy trình canh tác mới... đã góp phần đưa nước ta thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều ngành công nghệ mũi nhọn hiện nay chúng ta đang chỉ dừng ở mức gia công thuê cho nước ngoài. Đơn cử như ngành công nghiệp ôtô, chúng ta mở cửa liên doanh liên kết được hơn 20 năm nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hoá chưa đến 10%. Chúng ta chưa thể chế tạo nổi động cơ ôtô, thậm chí là những linh kiện đơn giản cũng phải nhập ngoại. Cần phải khẳng định rằng làm chủ được công nghệ lõi mới rút ngắn được khoảng cách tụt hậu.
Nghiên cứu chế tạo chip vi mạch tại ICDREC (Ảnh: Hồng Thúy)
Trước nhiều ý kiến cho rằng, công nghệ vi mạch mà dự án thực hiện không có gì mới, thậm chí còn khá lạc hậu so với thế giới nhưng bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng đã chỉ rõ, có nhiều công nghệ với nước ngoài không có gì là mới mẻ, nhưng với Việt Nam, khối tri thức đó là con số không. Không thể xây nhà mà không có móng.
Huy động tối đa lực lượng
Sau khi nhận Quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ, tại buổi Lễ, ĐHQG-HCM đã công bố Quyết định và ký hợp đồng giao nhiệm vụ dự án RFID cho Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) trực thuộc ĐHQG-HCM.
ICDREC có nhiệm vụ triển khai dự án trong vòng 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm chíp vi xử lý 32- bit công suất thấp, có tính cạnh tranh cao (dựa trên chip VN 1632) và các lõi IP có liên quan. Từ đó, thiết kế và sản xuất chip RFID HF và UHF, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng chip RFID.
Sau khi kết thúc dự án, CNS và ICDREC sẽ phối hợp để kinh doanh sản phẩm đã được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh, đây là dự án cần thiết và khởi đầu cho Việt Nam tiến đến làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn từ thiết kế, đến chế tạo sản xuất nhằm phục vụ cho các nhu cầu thương mại cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Nếu như dự án này thành công, nó sẽ tác động rất mạnh mẽ đến hệ thống các chương trình quốc gia, sẽ được chọn làm một sản phẩm quốc gia, làm một trong những nhiệm vụ đi đầu của chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và cũng sẽ có tác động rất lớn đến việc phát triển thị trường công nghệ, đến đề án đổi mới công nghệ của quốc gia. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ các nhà khoa học tham gia vào dự án, đồng thời tin tưởng vào sự chỉ đạo của ĐHQG-HCM đối với dự án này.
“RFID là một loại công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến.Công nghệ này là xu hướng tất yếu trong việc phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Thông qua dự án, chúng ta sẽ đi đến một sản phẩm rất cụ thể đó là thẻ nhận dạng RFID và các hệ thống dùng trong kho hàng để cung cấp sản phẩm, an ninh quốc phòng và giao thông công cộng. Đây là một hệ sản phẩm đi đến mục đích cụ thể và có ứng dụng rất thiết thực đối với nền công nghệ của nước ta” - Th.S Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm ICDREC, Chủ nhiệm Dự án cho biết.
Trong dự án này, ngoài CNS, ICDREC sẽ hợp tác với các trường đại học và học viện bao gồm Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG-HCM), Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông nhằm tạo ra nhiều hơn nữa các trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.
Ký kết và trao biên bản hợp tác thực hiện dự án giữa Ông Ngô Đức Hoàng (thứ 3 từ trái qua) với đại diện các trường Đại học và Viện (ảnh Hồng Thúy)
Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng chập chững và khó khăn. Song, với quyết tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chúng ta có quyển hy vọng với sự ra đời của dự án, chúng ta đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp non trẻ này, là tiền đề cho các dự án lớn hơn về công nghiệp vi mạch sau này. Đây là một trong những đột phá lớn trong hoạt động về KH-CN của Việt Nam, từ đây sẽ cho ra đời những sản phẩm mang 100% thương hiệu “Made in Viet Nam” hết sức cần thiết.
Trên thế giới, năm 2010, doanh thu từ lĩnh vực vi mạch, bán dẫn chiếm khoảng 35% tổng doanh thu toàn ngành điện tử (khoảng 350 tỷ USD) và dự báo tiếp tục tăng thêm 6,1% vào năm 2011. Tại Nhật Bản, thu nhập của thiết kế vi mạch đem lại 30-40% GDP. Hàn Quốc cũng có bước phát triển nhảy vọt nhờ đi sâu nghiên cứu, sản xuất chíp. Theo đó, cách nay khoảng 30-40 năm, Hàn Quốc xác định đây là lĩnh vực quan trọng để phát triển công nghiệp điện tử nên đầu tư rất lớn cho ngành này. Do đó, ngành bán dẫn Hàn Quốc từ chỗ chỉ chiếm 2,9% trong tổng GDP năm 1990 đã tăng lên 19,4% vào năm 2000. Năm 2011, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia số 1 về chíp nhớ trên thế giới với tổng giá trị tiêu thụ 25,4 tỉ USD, chiếm 43,1% thị phần toàn cầu.
|
Minh Châu
|