|
|||
Dự án hiệu quả lớn Ông Phùng Đình Thực – Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, công trình này được Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, Bộ KH&CN ký kết hợp đồng cấp kinh phí thực hiện các đề tài thuộc dự án và giao cho Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) - Tập đoàn dầu khí Việt Nam chủ trì. Dự án KH&CN “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy Giàn khoan tự nâng 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí và Viện Nghiên cứu Cơ khí chủ trì thực hiện, bao gồm 11 đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu và thực hiện. Với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Đây là dự án KH&CN lớn nhất từ trước tới nay mà Bộ KH& CN đã từng hỗ trợ cho các đơn vị trong nước. Dự án KH&CN này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm mục tiêu phát triển tiềm lực KH&CN Dầu khí của Việt Nam, góp phần từng bước làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan dầu khí… Nói về công trình này, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh, vai trò của Bộ KH&CN là vô cùng quan trọng, với việc đầu tư cho dự án với số vốn lớn nhất từ trước tới nay, các nhà khoa học, kỹ sư đầu ngành đã có thể làm chủ công nghệ thiết kế thi công… Ông Đào Đỗ Khiêm - Phó giám đốc Quản lý dự án giàn khoan tự nâng 90m nước cho biết, với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, việc hạ thủy giàn khoan tự nâng có thể nói là điểm mốc hội tụ tất cả những nỗ lực, cố gắng để hoàn thiện các công việc bắt buộc trước đó như chạy thử máy phát, chạy thử hệ thống điện, hòa điện đồng bộ giàn khoan, chạy thử hệ thống nâng hạ, chạy thử hệ thống nước giằn giàn khoan vv... và sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ phận kĩ thuật của PV Shipyard, vận hành thiết bị hạ thủy, hoa tiêu, cảng vụ, biên phòng, bảo hiểm... trong suốt quá trình hạ thủy. Tất cả các công việc hạ thủy giàn khoan đều được giám sát trực tiếp bởi công ty giám định độc lập Braemar Technical Services Ltd (Vương quốc Anh) bao gồm: hạ giàn khoan xuống đường trượt; kéo giàn khoan xuống xà lan; đánh chìm xà lan và kết thúc quá trình hạ thủy. Công trình đã được Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ - ABS cấp chứng chận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sự kiện này khẳng định Việt Nam trở thành một trong 3 nước khu vực châu Á và là một trong mười nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tương lai cho ngành cơ khí Giàn khoan 90m nước lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam nên việc thành công đã đưa nước ta trở thành 1 trong 3 quốc gia ở châu Á thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Điều đó chứng tỏ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí ở Việt Nam có thể làm chủ những công nghệ cao ngang tầm khu vực và thế giới. Khẳng định thành công của việc hạ thủy giàn khoan, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, thành công này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà và mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng, ngành dầu khí không chỉ tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng khẳng định, giàn khoan 90m nước đóng góp vào việc nâng cao trình độ công nghệ Việt Nam, hỗ trợ việc hoạt động dầu khí ở biển Đông, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Qua đó hình thành và phát triển một lĩnh vực sản xuất mới trong công nghiệp dầu khí, đóng góp trực tiếp và có hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng thăm dò, khai thác dầu khí… Ngoài ra, trong nhiều năm qua, lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, cơ khí chế tạo…, cũng đã đạt những thành công lớn. Đó là kết quả nghiên cứu của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp tiết kiệm được 20 – 33% công lao động, 20 – 28% chi phí sản xuất và giảm 45 – 50% tổn thất sau thu hoạch. Dự kiến đến năm 2015, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 90% và đến năm 2020 phải đạt 100%, cơ giới hóa khâu gieo cấy đạt từ 25 – 50%, thu hoạch từ 50 – 80%. Và cả những kết quả do nông dân tự mày mò nghiên cứu ra như máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy vun luống đất… TS Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí - Bộ Công thương cho biết, có thể nói trong thời gian qua nghiên cứu cơ khí trong nước có nhiều kết quả đáng mừng. Bên cạnh những thành công trong nông nghiệp, dầu khí thì thủy điện cũng có nhiều kết quả tốt. Có thể kể đến công trình Thủy điện Sơn La. Đây là một công trình không chỉ ở tính hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á mà còn là công trình lớn đầu tiên được Chính phủ cho phép tất cả các khâu quan trọng từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công đến thực hiện xây dựng đập, lắp đặt thiết bị, chế tạo thiết bị thủy công, cẩu trục giàn máy đều do kỹ sư và công nhân thuộc doanh nghiệp trong nước thực hiện. Dự kiến phát điện thương mại tổ máy số 1 vào cuối năm 2012 và hoàn thành công trình vào cuối năm 2015. Đó chính là những dấu mốc quan trọng khẳng định ngành nghiên cứu cơ khí Việt Nam. Đây được đánh giá là tín hiệu rất tích cực hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho nghiên cứu cơ khí tại Việt Nam. Hoàng Anh |